1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đêm cuối Chà Coong

(Dân trí) - Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại Chà Coong (xã Hữu Dương, Tương Dương, Nghệ An). Miền tây xứ Nghệ mùa này lạnh cắt da cắt thịt. Đêm Chà Coong đã thưa bóng người, dân đã về nơi tái định cư, dành chỗ cho thủy điện Bản Vẽ...

Lạnh lùng đêm Chà Coong
 
Giữa núi rừng đêm cuối năm hiu quạnh dường như thưa hẳn tiếng người, chỉ còn lại mấy anh cán bộ huyện cùng với cánh phóng viên thâm nhập vào nơi sơn cùng thủy tận Chà Coong để thuyết phục những hộ còn lại rời lòng hồ thủy điện Bản Vẽ về khu tái định cư ở Thanh Chương, kịp đón Tết cổ truyền của dân tộc. Đêm Chà Coong buồn, lạnh và vắng vẻ. Chỉ mấy tháng trước đây, Chà Coong vui như hội, người đông đúc, nhộn nhịp tiếng người lớn trẻ em... Đêm đến tiếng khèn, điệu pí của những chàng trai, tiếng hát của những thiếu nữ Chà Coong gọi nhau sum vầy bên nhau. Giờ đây, người Chà Coong đã đi gần hết, nhường lại nơi chôn nhau cắt rốn cho đại công trình thủy điện Bản Vẽ.

Bên bếp lửa hồng, ông Vi Tân Hợi - PCT UBND huyện Tương Dương - tâm sự với chúng tôi, Chà Coong là một bản giàu của xã Hữu Dương. Bà con dân bản ai cũng no ấm hết, con cái được đi học đến nơi đến chốn. Nhưng giờ đây bà con phải rời bản là vì mục đích chung của quốc gia, phía huyện cũng đã cố gắng thuyết phục những hộ dân cuối cùng về tái định cư để còn kịp đón Tết cổ truyền. Tôi mong bà con ta xuống nơi ở mới đón Tết được vui vẻ hơn...". 

Rời bản
Ngay từ sáng sớm tinh mơ, bến thượng lưu Chà Coong đã nêm chật ních người cùng với trâu, bò... Những cỗ bè tấp nập người, đồ dùng, gia súc... lên luồng đóng bè xuôi về khu tái định cư. Cái không thể thiếu, đó là những bì thóc của mùa gặt cuối cùng trên nương rẫy. Món ăn không thể thiếu là rêu đá. Tất cả được gói ghém cẩn thận mang đi.

Chúng tôi cùng bà con rời bản xuôi dòng Nậm Nơn trên con thuyền thân mảnh dài, mũi vắt cao để tránh sóng và đá ngầm. Sông nước Nậm Nơn hiện lên hùng vĩ, oai phong bởi mực nước dâng cao (hơn 150m) và thiên nhiên nơi đây như đang hồi sinh một cách nhanh chóng.

Sau gần một ngày rong ruổi trên những con thuyền độc mộc vượt qua những thác nước Nậm Nơn, chúng tôi cập bến hạ lưu tại miệng cửa đập thủy điện Bản Vẽ. Tinh thần trấn tĩnh lại sau một đêm dài ở Chà Coong mang bao nh nỗi lo nước lên, thấp thỏm rồi chợt nhớ đêm Chà Coong, đêm cuối cùng của đồng bào dân tộc phải rời nơi chôn nhau cắt rốn về một nơi khác mà chưa từng quen biết.

Rồi đây họ làm quen với cuộc sống mới với bao muôn vàn khó khăn, nhưng chắc chắn sẽ văn minh hơn, tương lai sáng sủa hơn. Và một cái Tết mới ở khu tái định cư đã được Nhà nước, chính quyền địa phương cũng như các ngành liên quan quan tâm giúp đỡ, lo cho thật đầm ấm, vui tươi hạnh phúc.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đào Duy Tân - Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 2 (thủy điện Bản Vẽ) - cho biết, "đối với bà con bản Chà Coong chúng tôi cùng với các ban ngành đến thời điểm này đã di dời hoàn chỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ đang ở lại để thu hoạch lúa rẫy rồi về khu tái định cư tại Thanh Chương trong dịp trước Tết. Những hộ dân noi gương đi đầu về khu tái định cư đầu tiên sẽ khen thưởng xứng đáng trong dịp Tết này.
 
Thủy điện Bản Vẽ giờ đây đã sẵn sàng, dự kiến sẽ phát điện vào ngày sinh nhật Bác (19/5/2010). Nhưng quan điểm của Ban là nước lúc nào thì sẽ phát điện lúc ấy. Tết này, công nhân sẽ không được nghỉ vì yêu cầu hoàn thành công trình để kịp tiến độ và hoàn thành mục tiêu chống lũ năm 2010 và chúng tôi tập trung chỉ đạo ngay từ bây giờ".

Ngày cuối cùng ở Chà Coong, PV Dân trí đã kịp ghi lại những hình ảnh về cuộc sống, sinh hoạt của bà con nơi đây trước lúc chuyển về khu tái định cư. Họ mang theo hàng ngàn phiến gỗ rừng có đường kính từ 50cm đến hơn 1m.
Đêm cuối Chà Coong - 1

Đêm cuối Chà Coong - 2
Đêm cuối Chà Coong - 3

Đêm cuối Chà Coong - 4
Đêm cuối Chà Coong - 5

Vô số gỗ được tập kết chuẩn bị cho lên bè xuôi theo dòng Nậm Nơn

Đêm cuối Chà Coong - 6
 
Đêm cuối Chà Coong - 7

Những phản gỗ lớn này có thể được bán cho người miền xuôi với giá vài chục đến 100 triệu đồng.

Nguyễn Duy