Đề xuất xây thêm 6 công viên quy mô lớn ở TPHCM
(Dân trí) - Sở Xây dựng TPHCM đề xuất xây dựng thêm 6 công viên có quy mô lớn từ nguồn đất công hoặc đất trống, gồm Công viên Sài Gòn Safari, Khu lâm viên sinh thái ở TP Thủ Đức, Công viên Gò Cát...
Theo báo cáo của Sở Xây dựng trình UBND TPHCM, năm 2023, TPHCM đã trồng mới và cải tạo gần 12.500 cây xanh (chỉ tiêu là 6.000 cây); thực hiện phát triển 8,2ha công viên công cộng (chỉ tiêu 5ha); phát triển hơn 32ha mảng xanh công cộng (chỉ tiêu 2ha). Năm 2024, các chỉ tiêu trên vẫn được giữ nguyên.
Theo Sở Xây dựng, theo quyết định của UBND TP năm 2021 về kế hoạch chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2020-2025, thành phố đặt chỉ tiêu tăng thêm 150ha đất công viên công cộng, tương đương 0,65m2/người (tính trên quy mô 10 triệu dân).
"Để hoàn thành chỉ tiêu này, thành phố cần thực hiện tối thiểu 54 dự án với kinh phí đầu tư ước tính hơn 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới có 8 dự án hoàn thiện và trình đề xuất chủ trương đầu tư. Trong số 8 dự án này, thành phố đã chấp thuận 4 dự án với kinh phí 1.590 tỷ đồng", báo cáo nêu.
Về mục tiêu xa hơn, giai đoạn 2026-2030, TPHCM phấn đấu tăng 10ha mảng xanh công cộng, đất công viên đạt 1m2/người (tính trên quy mô 11 triệu dân), trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh.
Ngoài ra, Sở Xây dựng TPHCM đề xuất xây dựng thêm 6 công viên có quy mô lớn từ nguồn đất công hoặc đất trống là: Công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi) rộng 485ha, Khu lâm viên sinh thái ở TP Thủ Đức rộng 128ha, Công viên quảng trường Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) rộng 20ha, Công viên Gò Cát (quận Bình Tân) rộng 13ha, Công viên cây xanh ở khu tái định cư phường 12, quận Bình Thạnh rộng 3,8ha, Công viên Thạnh Xuân (quận 12) 150ha.
Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể Sở Xây dựng đặt ra gồm việc đầu tư xây dựng các dự án công viên, mảng xanh công cộng và trong các dự án nhà ở; gia tăng quỹ đất công viên công cộng; rà soát, quản lý lại các khu đất dành cho mảng xanh, công viên; đặt chỉ tiêu trồng mới 10 triệu cây xanh các loại...
Riêng về cây xanh, Sở đặt kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu cây xanh về không gian, thuộc tính, tình trạng, chất lượng sinh trưởng của cây hàng năm; bên cạnh đó quy hoạch, định hướng chủng loại giống cây phù hợp trên các tuyến đường.