1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đề xuất xây sân bay dân dụng - quân sự rộng gần 250ha ở Sơn La

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - UBND tỉnh Sơn La vừa trình Chính phủ, Thủ tướng việc đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Nà Sản trên nền sân bay cũ, dùng chung khai thác dân dụng và phục vụ mục đích quân sự.

Sân bay Nà Sản thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, được người Pháp xây dựng vào năm 1950. Trong những năm 1960, sân bay này duy trì hoạt động nhưng sau đó dừng khai thác do ít khách. Năm 1994, sân bay Nà Sản được khai thác trở lại trong thời gian ngắn rồi đóng cửa cho tới nay vì cơ sở hạ tầng không đáp ứng yêu cầu khai thác.

Theo tờ trình, UBND tỉnh Sơn La đề xuất xây Cảng Hàng không Nà Sản tại huyện Mai Sơn, trên nền sân bay cũ, với diện tích khoảng gần 250ha (mở rộng thêm hơn 78ha). Việc đầu tư sẽ được chia làm 2 giai đoạn, tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 1, UBND đề xuất xây dựng Cảng hàng không Nà Sản đạt cấp 4C theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp I, đạt công suất 1 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2, mở rộng các hạng mục sân bay để đạt công suất 2 triệu hành khách/năm, đảm bảo phù hợp với quy hoạch sau năm 2030.

Đề xuất xây sân bay dân dụng - quân sự rộng gần 250ha ở Sơn La - 1

UBND tỉnh Sơn La đề xuất xây Cảng Hàng không Nà Sản tại huyện Mai Sơn, trên nền sân bay cũ, với diện tích khoảng gần 250ha (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Về quy mô, Sơn La đề xuất xây dựng đường cất-hạ cánh có kích thước 2.600x45m, kết cấu bê tông xi măng đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và các máy bay quân sự Su27, Su30MK. Sân đỗ máy bay nằm phía Bắc có khả năng đáp ứng cho 5 máy bay A320/321; hệ thống tín hiệu dẫn đường, khí tượng; nhà ga hành khách có diện tích 3.000m2; đài kiểm soát không lưu…

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 cần hơn 2.500 tỷ đồng. Dự án áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành; bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí an toàn, thuận tiện, chất lượng.

Theo UBND tỉnh Sơn La, thời gian qua, địa phương đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu đề xuất và kiến nghị phương thức đầu tư Cảng Hàng không Nà Sản theo 2 hướng là sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (theo Luật Đầu tư công) và dùng vốn của doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị đang quản lý, khai thác sân bay Nà Sản.

Tuy nhiên, cả 3 phương án đều gặp khó khăn do nguồn vốn đầu tư của ACV và ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 còn hạn chế, chưa thể cân đối cho dự án. Trong khi đó, ACV đã có văn bản chính thức thông báo việc không thể huy động vốn cho dự án trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và đề nghị địa phương chủ động kêu gọi vốn xã hội hóa nếu muốn đầu tư sớm hơn.

UBND tỉnh Sơn La tính toán phương án tài chính sơ bộ của Dự án xây dựng Cảng hàng không Nà Sản có thời gian hoàn vốn là 47 năm 3 tháng. Thời gian chuẩn bị dự án sẽ kéo dài 1 năm, từ quý II/2022 đến quý II/2023; thi công trong khoảng hơn 2 năm và vận hành khai thác vào năm 2026.

Hiện nay, ở Lào Cai, Quảng Trị, Chính phủ đã giao các địa phương này là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện các dự án cảng hàng không trên địa bàn theo hình thức đối tác công - tư (PPP). UBND tỉnh Sơn La đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết giao UBND tỉnh Sơn La đề xuất, kêu gọi đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Nà Sản theo phương PPP, đồng thời giao UBND tỉnh Sơn La quản lý, tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng Cảng hàng không Nà Sản để huy động nguồn lực xã hội hóa vào đầu tư, nâng cấp.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có công văn gửi UBND tỉnh Sơn La về việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản theo phương thức PPP. Bộ GTVT ủng hộ chủ trương kêu gọi các nguồn lực để đầu tư Cảng Hàng không Nà Sản, trong đó có việc huy động từ phương thức PPP. 

Bộ GTVT cho biết, tại Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không đang trình Thủ tướng phê duyệt, Cảng Hàng không Nà Sản thuộc nhóm cảng hàng không ở vùng núi, hải đảo, khả năng cân đối nguồn thu - chi khó khăn và có công suất quy hoạch dưới 5 triệu hành khách/năm. Nhóm cảng hàng không này được Bộ GTVT định hướng chuyển giao các công trình kết cấu hạ tầng cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển.