Đề xuất thêm 2 lò đốt rác tại Sóc Sơn: Mối e ngại nhà máy điện rác quá lớn

CTV

(Dân trí) - Xung quanh đề xuất đào lượng rác khổng lồ đã chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) lên để xử lý bằng công nghệ đốt rác, nhiều chuyên gia bày tỏ nghi ngại về tính khả thi, mức độ rủi ro.

Suốt thời gian dài, xử lý rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) là vấn đề nan giải, bế tắc, khiến nhà quản lý đau đầu.

Sau khi dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn đi vào vận hành từ năm 2022, chuyện xử lý rác thải tại bãi rác Nam Sơn đã "dễ thở" hơn.

Nhà máy này tiếp nhận và xử lý khoảng 4.500 - 5.000 tấn/ngày, tương đương 60% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của Hà Nội, công suất phát điện 90 MW.

Cách nào biến bãi rác cũ thành sân golf, công viên?

Đề xuất thêm 2 lò đốt rác tại Sóc Sơn: Mối e ngại nhà máy điện rác quá lớn - 1

Các chuyên gia môi trường phân tích, trên thế giới, không quốc gia nào lựa chọn phương pháp đào bãi rác chôn lấp cũ lên để đốt phát điện, kể cả những nước giàu và tiên tiến (Hình ảnh ghi nhận tại bãi rác Nam Sơn).

Mới đây, chủ đầu tư dự án xin điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư mở rộng, bổ sung thêm 2 lò đốt tại Nhà máy điện rác Sóc Sơn, mục đích để xử lý số rác đã chôn lấp trước đây. Diễn biến này khiến không ít chuyên gia băn khoăn.

Theo đề xuất của chủ đầu tư, mỗi lò có công suất 800 tấn/ngày, chi phí đốt rác cũ khoảng 18 USD/tấn, khối lượng rác đã chôn lấp ở Khu xử lý Nam Sơn khoảng 25 triệu m3, thời gian thực hiện dự án dự kiến khoảng 10 năm. Sau đó, mặt bằng đất khu vực này có thể làm sân golf, công viên hoặc khu công nghiệp.

Bày tỏ lo lắng trước đề xuất mở rộng công suất nhà máy nêu trên, TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT, phân tích: "Nhà máy hiện tại đã xử lý tới 4.000 tấn rác/ngày đêm, lớn bậc nhất thế giới. Một khu vực tập hợp rác như vậy là nguồn có nguy cơ ô nhiễm rất lớn. Tập trung vào một nhà máy lớn mà có sự cố gì thì rủi ro đối với Hà Nội rất cao vì quá trình đốt rác phát sinh khí thải, trong đó có cả những chất độc hại như dioxin, furan… có thể phát tán, ảnh hưởng đến an ninh môi trường".

"Thế giới rất e ngại làm một nhà máy đốt rác lớn như vậy. Phải có các biện pháp phân tán nguồn rủi ro", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Với những lý do nêu ra, TS. Hoàng Dương Tùng đề nghị Hà Nội cân nhắc việc cho phép mở rộng công suất xử lý của nhà máy rác Nam Sơn, phải tính toán thật kỹ vì mục tiêu, mục đích môi trường của Hà Nội.

Cân nhắc kỹ

Một chuyên gia môi trường khác cũng phân tích, trên thế giới, không quốc gia nào lựa chọn phương pháp đào bãi rác chôn lấp cũ lên để đốt, phát điện, kể cả những nước giàu và tiên tiến. Lý do là quá tốn kém, không hiệu quả.

Trao đổi về việc này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn nhận xét "đây là chuyện không hề đơn giản".

Ông Sơn phân tích, rác chôn lấp thường chưa phân loại, gồm cả rác hữu cơ (thực phẩm thừa, bỏ), rác vô cơ (đất đá, kim loại, thủy tinh…). Nguyên tắc, nơi chôn lấp rác phải lót lớp vải địa kỹ thuật để chống nước rỉ rác phát tán ra nguồn nước ngầm. Vì vậy, sau một thời gian dồn xuống hố, rác chôn lấp sẽ có độ ẩm cao, khó đốt. Với công nghệ đốt rác, vấn đề đáng lo nhất là rác có độ ẩm cao, hiệu quả đốt rác sẽ rất kém.

Bên cạnh đó, bãi rác cũ đương nhiên ẩn chứa một lò khí metan do rác hữu cơ bị phân hủy sinh ra. Giờ xới đống rác đó lên, ông Sơn cảnh báo, khác gì mở toang mỏ khí metan ở dưới hầm rác đó cho phát tán ra môi trường.

Đề xuất thêm 2 lò đốt rác tại Sóc Sơn: Mối e ngại nhà máy điện rác quá lớn - 2

Hà Nội từng chi hàng nghìn tỷ đồng để xử lý bãi rác Nam Sơn.

Góp ý hướng xử lý bãi rác cũ, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho rằng cần bàn kỹ giải pháp, sao cho phù hợp với quy hoạch, tối ưu hóa hiệu quả, đảm bảo cho các mục tiêu xa hơn.

Ông Tùng còn đặc biệt lưu ý khả năng Hà Nội sẽ thiếu rác để đốt. Hiện thành phố có 5 nhà máy điện rác được quy hoạch và đang xây dựng với tổng công suất đủ để xử lý rác thải trong vòng 15 năm nữa.

Nếu cấp phép thêm lò đốt rác tại Nam Sơn sẽ dẫn đến việc dồn hết rác về đây xử lý. Điều này vừa gây thiếu nguyên liệu cho các nhà máy khác hoạt động, dẫn đến đầu tư lãng phí, vừa đẩy chi phí xử lý rác cao lên do vận chuyển xa.

"Hà Nội phải hết sức cân nhắc, từ việc xử lý bãi rác cũ ra sao, mở rộng công suất nhà máy đốt rác như thế nào, củng cố năng lực kiểm soát ô nhiễm… vì mục đích chung", TS. Tùng khuyến nghị.

Kinh nghiệm xử lý rác thải ở Hàn Quốc, Trung Quốc... cho thấy, các quốc gia này cải tạo bãi rác cũ thành công viên bằng phương pháp đơn giản, hiệu quả hơn, không nhất thiết phải đào lên. Chi phí nếu dùng phương pháp này chưa bằng 1/3 số tiền đầu tư mở rộng nhà máy để đốt, thậm chí ít hơn. Trong đó bao gồm cả việc xử lý môi trường cho bãi rác và cải tạo cảnh quan.

Đề xuất thêm 2 lò đốt rác tại Sóc Sơn: Mối e ngại nhà máy điện rác quá lớn - 3
Bãi chôn lấp Jinkou Vũ Hán từng trong tình trạng môi trường tồi tệ nay trở thành nơi trưng bày Triển lãm Vườn quốc tế với môi trường tươi đẹp mà không cần đào rác cũ lên đốt.

Phương pháp xử lý này bao gồm định hình bãi rác, sử dụng màng LLDPE che phủ kín trên mặt và xung quanh để tránh nước xâm thực. Sau đó tiến hành lắp đặt một lượng lớn các giếng lồng đá dẫn khí sinh học trên mặt đất để tận dụng thành khí đốt; xây dựng hệ thống thu gom và dẫn nước rỉ rác tập trung về trạm xử lý hoặc hồ điều chỉnh để lọc. Sau xử lý, nước rỉ rác sẽ trở thành nước trong vô hại và bùn đem chôn.

Sau khoảng 2 năm, khi cấu trúc của bãi chôn lấp được ổn định, nước rỉ và khí thải được kiểm soát thì bãi rác sẽ được đắp đất lên và phủ xanh. Việc trồng vườn và thiết lập cảnh quan sẽ được thực hiện. Khi đó có thể tận dụng bãi đất này làm công viên. Sau khoảng 8 năm, nước rỉ rác và khí thải sẽ bị suy thoái và dần biến mất.

Ánh Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm