Đề xuất tăng tiền bồi thường chậm hủy chuyến bay cho hành khách
(Dân trí) - Ngoại trừ “lỗi” kỹ thuật máy bay thì tất cả những trường hợp chuyến bay chậm, hủy, các hãng hàng không đều phải thực hiện bồi thường cho hành khách, số tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại đang được Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tăng cao hơn 100.000 đồng so với mức hiện tại.
Theo Dự thảo Thông tư quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyểnhành khách bằng đường hàng không được Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ GTVT, trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng chuyến bay bị chậm kéo dài (có giờ khởi hành thực tế tính từ thời điểm rút chèn tàu bay muộn hơn 4 giờ so với dự kiến), hành khách được tăng mức bồi thường 100.000 đồng so với hiện nay.
Cụ thể, với chuyến bay nội địa có độ dài dưới 500 km, hành khách được đền bù 200 nghìn đồng; Từ 500 km đến dưới 1 nghìn km bồi thường 300.000 đồng và 400.000 đồng cho quãng đường từ 1.000 km trở lên. Với các đường bay quốc tế, dự thảo Thông tư này vẫn giữ nguyên mức bồi thường là 25 USD cho chuyến bay dưới 1.000 km, 50 USD cho quãng đường từ 1.000 - 2.500 km, 80 USD cho chuyến bay dài từ 2.500 đến dưới 5.000 km, 150 USD cho chuyến bay từ 5.000 km trở lên.
Đồng ý với đề xuất tăng mức bồi thường ứng trước không hoàn lại của Cục Hàng không Việt Nam, đại diện Vụ Pháp chế - Bộ GTVT cho rằng, mức bồi thường trong trường hợp hủy chuyến hiện tại khá thấp so với mặt bằng giá hiện nay nên không thỏa mãn yêu cầu của hành khách. Việc tăng mức bồi thường là để nhằm mục đích giảm tỷ lệ chậm huỷ chuyến và nếu giữ nguyên mức như hiện nay thì sẽ không hiệu quả.
Theo Dự thảo thông tư này, hãng vận chuyển được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường ứng trước không hoàn lại trong trường hợp hủy chuyến bay hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài vì các nguyên nhân như: Điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay; nguy cơ an ninh ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay; chuyến bay không thể thực hiện hoặc bị chậm kéo dài theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trường hợp nếu hãng hàng không đã thông báo cho hành khách về việc hủy chuyến, chậm chuyến bay kéo dàiít nhất 24 giờ trước giờ khởi hành dự kiến.
Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam loại trường hợp chậm huỷ chuyến vì lỗi kỹ thuật khỏi điều khoản miễn trừ bồi thường. Theo Cục này thì việc miễn trừ nhằm nâng cao trách nhiệm của hãng hàng không trong công tác kiểm tra, bảo dưỡng tàu bay để đảm bảo an toàn tính mạng hành khách.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Qúy Tiêu cho rằng, hàng không là ngành hội nhập cao nên quy định như thế nào cũng phải tính đến việc hội nhập và áp dụng theo thông lệ quốc tế, hiện không hãng vận chuyển nào phải bồi thường cho hành khách trong trường hợp chuyến bay bị chậm hủy vì lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cũng lưu ý tránh tình trạng cứ chậm thì bảo lỗi kỹ thuật, nhằm tăng cường quản lý nhà nước và phục vụ lợi ích của khách hàng nhưng cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Châu Như Quỳnh