1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Đề xuất tạm dừng sáp nhập quê hương bà Chúa thơ Nôm

Hoàng Lam

(Dân trí) - Do có yếu tố đặc thù và chưa nhận được sự thống nhất cao từ người dân, tỉnh Nghệ An đang đề xuất tạm dừng sáp nhập 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu.

Ngày 27/5, ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An, cho biết đơn vị đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Nghệ An đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh chưa thực hiện sáp nhập hai xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu trong giai đoạn 2023-2025.

Động thái này được đưa ra sau khi UBND huyện Quỳnh Lưu có đề xuất tạm dừng sáp nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã này do có một số yếu tố đặc thù và chưa có sự thống nhất từ nhân dân.

Theo kế hoạch, xã Quỳnh Đôi sẽ sáp nhập với xã Quỳnh Hậu. Ban đầu, dự kiến sau sáp nhập, đơn vị hành chính mới sẽ giữ tên Quỳnh Đôi để giảm áp lực về thủ tục hành chính cho chính quyền và người dân. Do cử tri 2 địa phương đều mong muốn giữ tên của đơn vị mình nên huyện Quỳnh Lưu đề xuất tên gọi mới là Đôi Hậu - ghép từ tên của 2 xã.

Đề xuất tạm dừng sáp nhập quê hương bà Chúa thơ Nôm - 1

Tỉnh Nghệ An đề xuất tạm dừng sáp nhập 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu (Ảnh: M. Hùng).

Tuy nhiên, phương án này không nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ dư luận và người dân 2 xã, đặc biệt là xã Quỳnh Đôi.

Quỳnh Đôi là "tên làng cũng là tên xã", có lịch sử hình thành và phát triển gần 600 năm, nổi tiếng là "làng khoa bảng" và là quê hương của bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, danh nhân lịch sử Hồ Phi Tích, nhà cách mạng tiền bối Hồ Tùng Mậu, anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan...

Trong khi đó, xét về lịch sử hình thành, xã Quỳnh Hậu khởi nguồn từ làng Kẻ Bèo có từ thế kỷ thứ X. Đây cũng là nơi phát hiện dấu tích của người tiền sử từ 4.000 năm trước

Xã Quỳnh Hậu là xã anh hùng và là một trong 5 xã đầu tiên được UBND tỉnh Nghệ An công nhận xã văn hóa, là xã văn hóa đầu tiên của huyện Quỳnh Lưu.

Nắm bắt thông tin dư luận về tên gọi sau sáp nhập, UBND huyện Quỳnh Lưu đã làm việc với lãnh đạo 2 xã và đưa ra 3 phương án về tên gọi mới sau sáp nhập, gồm Quỳnh An, Quỳnh Hương và Quỳnh Phú. Một lần nữa, các tên gọi mới này cũng chưa nhận được sự đồng thuận của cử tri và nhân dân 2 xã.

Do vậy, trong khi 15 xã thuộc diện sáp nhập tại huyện Quỳnh Lưu đã hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân, tổ chức họp hội đồng nhân dân cấp xã thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sáp nhập thì xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu chưa thực hiện được việc lấy ý kiến nhân dân.

Trước câu hỏi việc tạm dừng sáp nhập 2 xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu có tạo tiền lệ trong công tác sắp xếp lại các đơn vị hành chính trên địa bàn, ông Nguyễn Viết Hưng cho rằng cũng có những băn khoăn. Tuy nhiên, nếu xác minh được tên và các yếu tố đặc thù, trong khi các đơn vị khác không có yếu tố đặc thù thì không tạo ra tiền lệ.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã thì sự thống nhất, đồng thuận của người dân là quan trọng nhất. Cùng với đó là sự kết hợp hài hòa dựa trên yếu tố pháp lý, văn hóa và lịch sử...