Đề xuất Quốc hội không tử hình người từ 75 tuổi trở lên
(Dân trí) - Sáng nay 30/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo đa số ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội, theo đó quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) do ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp trình bày, cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến chỉnh lý theo hướng bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh: cướp tài sản; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Riêng tội vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn giữ hình phạt tử hình đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây hoặc người thực hiện việc vận chuyển ma túy với số lượng lớn.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta.
“Vì vậy đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo đa số ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội, theo đó quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên”- ông Hiện nói.
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, đối với người phạm các tội mang tính vụ lợi thì yếu tố khắc phục hậu quả, thu hồi lại được tài sản chiếm đoạt cần được xem là một tình tiết đặc biệt khi thi hành án. Tuy nhiên để bảo đảm sự công bằng, người phạm tội phải hội đủ nhiều yếu tố mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình: “Người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Đối với việc không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết mặc dù việc không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân sẽ làm tăng tính răn đe, phòng ngừa của hình phạt. Tuy nhiên, quy định này sẽ làm phát sinh một loại hình phạt mới (tù chung thân không giảm án), người bị áp dụng dễ nảy sinh tâm lý cực đoan, tiêu cực như chống phá trại giam, tự vẫn, bỏ trốn,... vì không còn động cơ để cải tạo, phục thiện.
Do đó để được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân phải có điều kiện chặt chẽ hơn so với người bị kết án tù chung thân khác, cụ thể: Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là tù 30 năm.
Không đồng ý chuyển hình phạt tiền thành hình phạt tù
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, nhiều ý kiến tán thành bổ sung việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án. Nhiều ý kiến tán thành bổ sung quy định cơ chế chuyển hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ý kiến tán thành việc bổ sung cơ chế chuyển hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay là việc chấp hành hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ không nghiêm, kém hiệu quả. Tuy nhiên, việc người bị kết án chấp hành không nghiêm loại hình phạt này là do khâu tổ chức thực hiện mà không phải do hạn chế của bản thân hình phạt.
Hơn nữa, nếu quy định chuyển hình phạt nhẹ (phạt tiền, cải tạo không giam giữ) sang hình phạt nặng hơn (phạt tù) sẽ trái với nguyên tắc hình phạt phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như không phù hợp với chủ trương giảm hình phạt tù, tăng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ theo định hướng cải cách tư pháp. Bên cạnh đó, việc phân định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục cũng như việc xác định tỷ lệ chuyển đổi cụ thể là hết sức phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng. Do vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa bổ sung quy định này.
Thế Kha