1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đề xuất loại bỏ nhà thấp tầng, nhà riêng lẻ trong nội đô Hà Nội

Hà Mỹ

(Dân trí) - Chuyên gia đề xuất loại bỏ nhà thấp tầng bao gồm nhà riêng lẻ, nhà liền kề, phân lô, bán nền trong khu vực lõi của Hà Nội, nhưng không áp dụng với khu vực nội đô lịch sử.

Việc phát triển nhà ở và quy hoạch không gian sống, phát triển đô thị là nội dung được nhiều chuyên gia cho ý kiến, nêu quan điểm tại Hội thảo định hướng quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, ngày 29/9.

Theo GS.TS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, thủ đô đang tồn tại hai hình thái phát triển đô thị chủ yếu là thấp tầng ở khu vực nội đô; và hỗn hợp cao tầng - thấp tầng tại khu vực nội đô mở rộng. 

Trong đó, hình thái phát triển đan xen đã đáp ứng phần lớn nhu cầu ở của người dân, nhưng cũng tạo nên thách thức trong phát triển, cung cấp dịch vụ ở các khu vực này, đặc biệt về giao thông, không gian công cộng, công viên, vườn hoa. 

Với các khu vực dân cư hiện hữu thấp tầng của Hà Nội phần lớn là các làng xóm trước đây, ông Quân cho rằng quá trình đô thị hóa cùng các chính sách đã tạo nên một thị trường bất động sản có mức độ giao dịch cao, thúc đẩy các hoạt động xây dựng tự do. 

Tuy nhiên, đây lại là khu vực khó kiểm soát và thiếu những chính sách kiểm soát phát triển, thực hiện cải tạo chỉnh trang thiếu hiệu quả, cũng như sự đồng bộ giữa các chính sách về đất đai, xây dựng, giao thông...

Theo chuyên gia, mặc dù nhà ở thấp tầng (nhà ở riêng lẻ) có tỷ lệ phát triển lớn, các chính sách xây dựng đối với khu vực này còn nhiều hạn chế và bị chi phối bởi chính sách đất đai. Vì vậy, việc kiểm soát mật độ cư trú của loại hình này rất quan trọng, nhằm giảm áp lực phát triển với khu vực này. 

Đề xuất loại bỏ nhà thấp tầng, nhà riêng lẻ trong nội đô Hà Nội - 1

Bên cạnh các chung cư mọc lên ngày càng nhiều, nhà ở thấp tầng, nhà riêng lẻ vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong khu vực nội đô Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị).

Cùng quan tâm đến vấn đề trên, TS Chu Mạnh Hùng (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội) và TS Đỗ Xuân Trọng (Phó trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội) đề xuất loại bỏ nhà thấp tầng bao gồm nhà riêng lẻ của khu vực dân sự, nhà liền kề, phân lô, bán nền trong khu lõi của thủ đô và xây dựng hệ thống nhà tầng hiện đại.

Theo nhóm chuyên gia, việc này vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, vừa mở rộng được hệ thống hạ tầng...

Tuy nhiên, hai chuyên gia lưu ý giải pháp trên không áp dụng cho khu vực nội đô lịch sử với những công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử như nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác có ý nghĩa trong việc bảo tồn kiến trúc cổ, kiến trúc châu Âu.

Để làm được việc này, chuyên gia nhấn mạnh Hà Nội cần điều chỉnh chức năng sử dụng đất theo quy hoạch nhằm tái cấu trúc, tái khai thác giá trị, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo hướng mở rộng dự án khu đô thị hiện đại.

Ngoài ra, để người dân cải thiện, nâng cấp nhà ở, đặc biệt là người nghèo và thu nhập thấp trong đô thị, các chuyên gia của Đại học Luật Hà Nội cho rằng thành phố phải có chiến lược nhà ở đặc thù khi quy hoạch. 

Trong đó, bên cạnh phát triển nhà ở theo mô hình căn hộ chung cư tại các quận trung tâm, mô hình nhà ở thương mại cần đa dạng để thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư như biệt thự, nhà vườn tại các đô thị vệ tinh, huyện ngoại thành. 

Với nhà ở xã hội, chuyên gia góp ý Hà Nội cần phát triển các khu nhà theo hướng văn minh, hiện đại, đồng bộ hạ tầng; không chỉ khu nhà ở xã hội tập trung cho người lao động trong các khu công nghiệp mà còn cho cả nhóm trí thức trẻ. 

Cùng với đó, thành phố cần xây dựng hệ thống tiêu chí nhà ở xã hội theo từng quận, huyện để có thể kiểm soát quy mô, tốc độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội, số lượng căn hộ và quy mô...

Về cải tạo chung cư cũ, cần có cơ chế khuyến khích cộng đồng dân cư tự tổ chức liên kết cải tạo các chung cư cũ. Hà Nội cũng cần chú ý ở từng ngành, lĩnh vực cần chỉ rõ điểm nghẽn trong quy hoạch khu dân cư, khu đô thị để đáp ứng yêu cầu về chỗ ở cho người dân tại thủ đô. 

"Đây là điểm nghẽn đáng báo động và vụ việc cháy chung cư mini đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở phường Khương Hạ (quận Thanh Xuân) vừa qua là "tiếng chuông cảnh tỉnh" cho thủ đô trong vấn đề đảm bảo chất lượng, an toàn cho các công trình xây dựng", nhóm chuyên gia nêu quan điểm.