Đề xuất làm vành đai 5 TPHCM để mở thêm không gian phát triển
(Dân trí) - Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương đã đề xuất TPHCM đưa vào quy hoạch vùng đường vành đai 5. Ngoài giảm ùn tắc giao thông, vành đai 5 TPHCM còn có ý nghĩa tạo ra không gian phát triển mới.
Sáng 31/1, UBND TPHCM tổ chức hội thảo khoa học góp ý dự thảo quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Sự kiện có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện lãnh đạo các địa phương trong vùng.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, tỉnh này đang đề xuất TPHCM đưa vào quy hoạch vùng đường vành đai 5, kết nối với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Tây Nguyên. Ngoài giảm ùn tắc giao thông, vành đai 5 TPHCM trong tương lai còn có ý nghĩa tạo ra không gian phát triển mới.
"Nếu không đầu tư sớm, dự báo khu vực tỉnh Bình Dương sẽ trở thành điểm nghẽn rất lớn trong tương lai. Trong khi đó, đây là cửa ngõ kết nối khu vực với tỉnh Tây Nguyên", ông Nguyễn Văn Dành phân tích.
Góp ý tại hội nghị, KTS Ngô Viết Nam Sơn đưa ra góp ý, TPHCM có thể xem xét tách huyện Bình Chánh bằng trục cao tốc TPHCM - Trung Lương. Một phần sẽ kết hợp với huyện Nhà Bè, quận 7 để hình thành thành phố phía Nam; phần còn lại kết hợp với huyện Hóc Môn, Củ Chi để hình thành thành phố phía Bắc.
Theo phương án của ông Ngô Viết Nam Sơn, TPHCM sẽ gồm có đô thị trung tâm hiện hữu và 3 thành phố trong thành phố là TP Thủ Đức, thành phố phía Nam, thành phố phía Bắc.
"Chia như vậy không đơn thuần dựa trên diện tích, quản lý đô thị mà nó sẽ tác động đến kinh tế, xã hội của TPHCM ra sao trong tương lai", ông Sơn chia sẻ.
Hiện tại, TP Thủ Đức đang đại diện cho TPHCM hợp tác với 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Chuyên gia cho rằng, đây là trục liên kết tứ giác đóng góp lớn nhất vào ngân sách.
Ngoài ra, thành phố phía Nam sẽ đóng vai trò phát triển kinh tế biển. Thành phố phía Bắc thúc đẩy phát triển kinh tế với Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo dự thảo quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của đơn vị tư vấn, TPHCM sẽ được tổ chức gồm 5 vùng đô thị.
Thứ nhất là vùng đô thị trung tâm hiện hữu với 5-6 triệu dân, là khu hành chính, đối ngoại, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức, đô thị sáng tạo.
Thứ hai là TP Thủ Đức với 3 triệu dân. Khu vực có trọng tâm là đô thị sáng tạo, giáo dục, đào tạo, công nghiệp công nghệ cao, trung tâm tài chính, y tế, du lịch sinh thái.
Thứ ba là thành phố phía Bắc với 4-5 triệu người. Khu vực này là đô thị dịch vụ giải trí, văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ sinh thái môi trường và nông nghiệp, sản xuất công nghiệp dẫn dắt, hỗ trợ và đào tạo công nghệ phục vụ nông nghiệp và công nghệ sinh thái môi trường.
Thứ tư là thành phố phía Tây với 2-3 triệu người. Nơi đây được định hướng là đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo.
Thứ năm là thành phố phía Nam với 3-4 triệu người. Đây sẽ là đô thị công nghệ cao, sinh thái nước, kinh tế tri thức, văn hóa nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí, du lịch sinh thái, công nghiệp, logistics, trung tâm kinh tế biển.