Đề xuất kéo dài độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng cho rằng, việc kéo dài độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ là quy định chung cho mọi công dân, không phân biệt để bảo đảm tính công bằng.

 

Đề xuất kéo dài độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ - Ảnh 1.

Các lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ phối hợp để bảo vệ biên giới, biển, đảo (Ảnh minh hoạ).

 

Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo. Tờ trình của Bộ Quốc phòng đánh giá, hoạt động của dân quân tự vệ ngày càng đi vào nề nếp, khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng lên, nhất là dân quân tự vệ thường trực, cơ động, biển.

Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và các lực lượng khác đã ngăn chặn nhiều vụ xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biên giới đất liền, tham gia tích cực bảo vệ biên giới biển đảo. Đặc biệt, năm 2014 đã huy động 194 lượt người, với gần 3.000 ngày công dân quân tự vệ tham gia đấu tranh với Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 đạt kết quả thiết thực.

Lực lượng này cũng thường xuyên phối hợp với công an giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, nhất là trong các dịp lễ, tết, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và địa phương; tham gia tích cực trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Từ năm 2010 đến nay đã huy động trên 7,6 triệu lượt dân quân tự vệ với trên 34 triệu ngày công lao động thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Bộ Quốc phòng cho biết, Điều 9 Luật Dân quân tự vệ hiện hành quy định “công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, nếu tình nguyện tham gia dân quân tự vệ thì có thể đến 50 tuổi đối với nam, đến 45 tuổi đối với nữ”.

“Theo đề nghị của hầu hết các cơ quan, tổ chức, địa phương đối với tự vệ ở cơ quan, tổ chức do ít có biến động về tổ chức, biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tuyển dụng hằng năm không nhiều nên cần kéo dài độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia tự vệ cho phù hợp với tình hình thực tiễn”- Bộ Quốc phòng cho hay.

Uỷ ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội đã đề nghị làm rõ hơn căn cứ và đánh giá tác động về đề nghị tăng độ tuổi đối với người tình nguyện tham gia dân quân tự vệ từ 50 tuổi lên 55 tuổi đối với nam và từ 45 tuổi lên 50 tuổi đối với nữ. Trong khi đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ đề nghị nghiên cứu xem xét về độ tuổi bình đẳng giữa công dân nam và nữ khi tham gia dân quân tự vệ.

Phản hồi, Bộ Quốc phòng phân tích: Bộ Luật lao động quy định độ tuổi nghỉ hưu của công dân nam, nữ khác nhau. “Việc kéo dài độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ là quy định chung cho mọi công dân, không phân biệt để bảo đảm tính công bằng. Dự thảo luật chỉ quy định kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ để phù hợp với thực tế ở một số cơ quan, tổ chức, địa phương”- Bộ này thông tin.

Góp ý dự thảo luật, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng) đề nghị bổ sung dân quân tự vệ tác chiến không gian mạng.

Cơ quan soạn thảo khẳng định, không nên quy định vấn đề này, vì tác chiến không gian mạng là lĩnh vực áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, đòi hỏi phải có lực lượng, phương tiện kỹ thuật chuyên ngành. Trong khi đó, dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác…

“Vì vậy, dân quân tự vệ chỉ tham gia thực hiện các biện pháp chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng, mọi thành phần dân quân tự vệ đều phải tham gia nên không quy định tổ chức thành phần, đơn vị dân quân tự vệ tác chiến không gian mạng riêng”- Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.

Thế Kha