Đề xuất gói hỗ trợ khẩn cấp về an sinh xã hội
(Dân trí) - Gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43 qua 1,5 năm mới giải ngân được 29%, trong khi thời hạn chỉ có 2 năm. Vì vậy, ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề xuất có gói khẩn cấp hơn để hỗ trợ an sinh xã hội.
Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 sáng 27/5, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhấn mạnh ủng hộ chuyên đề giám sát chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Ngân phân tích tình hình nền kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng hơn 20% trong 4 tháng đầu năm, số liệu đăng ký mới cũng giảm.
Với kỳ vọng sau giám sát phải có sự chuyển động, thay đổi, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân lo ngại nếu chờ tới năm 2024 mới giám sát xong Nghị quyết 43 về nội dung này thì sẽ muộn.
Với mức tăng trưởng kinh tế dưới 3%, ông Ngân cho rằng áp lực sẽ gia tăng với an sinh. "Theo báo cáo của các cơ quan, số lượng lao động bị mất việc làm, cắt giảm giờ lao động trong thời gian gần đây rất lớn, đến hơn 500.000 lao động. Hôm qua, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành giải quyết ngay khó khăn của doanh nghiệp", vị chuyên gia kinh tế dẫn chứng.
Trong khi đó, gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43 đến nay mới giải ngân được 87.300/301.000 tỷ đồng. "Gói này có thời hạn chỉ 2 năm, mà qua 1,5 năm mới giải ngân được 29% nên phải nỗ lực rất nhiều", đại biểu Trần Hoàng Ngân gợi ý Chính phủ có thể đề xuất với Quốc hội có gói khẩn cấp hơn để hỗ trợ an sinh xã hội, người lao động, gia đình chính sách, gia đình có người mất trong đại dịch Covid-19.
Liên quan đến vấn đề giảm thuế, đại biểu TPHCM cho rằng nếu đọc số liệu cứ nghĩ giảm thuế sẽ giảm thu ngân sách, nhưng thực tế, năm 2022 tiến hành giảm thuế, thu ngân sách vẫn đạt 1,8 triệu tỷ đồng, vượt dự toán 400.000 tỷ đồng.
"Như vậy, rõ ràng việc giảm thuế là cần thiết, giúp tăng doanh thu và góp phần giải quyết việc làm", ông Ngân nói.
Về đề xuất gói hỗ trợ khẩn cấp về an sinh xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thủ tướng và các thành viên Chính phủ nghiên cứu để báo cáo tiếp thu, giải trình trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội sắp tới.
Liên quan Nghị quyết 43 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) đánh giá đây là một dấu ấn đột phá, chưa có tiền lệ, góp phần rất quan trọng để phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế.
Nghị quyết này, theo ông Luận, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng của khu vực và thế giới, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế nên cần giám sát tối cao của Quốc hội đối với chuyên đề này.
Ông Luận cho rằng công tác giám sát của Quốc hội đối với nội dung này nhằm đánh giá toàn diện kết quả đã đạt được, làm rõ những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất được những giải pháp khả thi cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.