Trình Quốc hội bổ sung những vị trí có hàm cao nhất là cấp tướng trong CAND

Hoài Thu

(Dân trí) - Nhiều chính sách mới liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ được Chính phủ trình lên Quốc hội trong hôm nay.

Sáng 27/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới lần lượt trình bày tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, trong tờ trình gửi Quốc hội hồi tháng 4, Chính phủ bổ sung quy định cụ thể về 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong CAND, bao gồm: 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng.

Trình Quốc hội bổ sung những vị trí có hàm cao nhất là cấp tướng trong CAND - 1

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an sẽ trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (Ảnh: Hồng Phong).

Trong đó, 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng đối với sĩ quan CAND biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng, gồm: Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân và Hiệu trưởng trường Đại học An ninh nhân dân; 1 Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; 2 vị trí Phó Cục trưởng và tương đương của 2 đơn vị trực thuộc Bộ Công an.

Về Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chính phủ đề xuất chủ trương cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; đồng thời, nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.

Về chính sách đơn phương miễn thị thực, phương án Chính phủ trình Quốc hội là nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội là Ủy ban Quốc phòng -  An ninh cơ bản ủng hộ những đề xuất này với nhận định cho rằng các chính sách mới sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, hiện nay Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn đối với công dân của 25 nước là thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, nên đề nghị mở rộng hơn diện và điều kiện đơn phương miễn thị thực cho công dân các nước, vùng lãnh thổ.

Hai dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp tổ vào chiều cùng ngày.