1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đề xuất "gỡ khó" tra cứu thông tin án tích

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi quy định tra cứu thông tin về án tích tại cơ quan công an, tòa án khi thực hiện thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân.

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, thời gian qua một số địa phương phản ánh gặp nhiều khó khăn khi tra cứu thông tin về án tích khi thực hiện thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) cho người dân.

Đỗ Thị Thúy Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp), cho biết dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 111/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp đã đề xuất sửa đổi quy định tra cứu thông tin về án tích tại cơ quan công an, tòa án.

Đề xuất gỡ khó tra cứu thông tin án tích - 1

Bà Đỗ Thị Thúy Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Ảnh: Phùng Minh).

Trong xu thế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của nhà nước nói chung và hoạt động LLTP nói riêng, theo bà Lan, đòi hỏi phải tiếp tục rút ngắn thời hạn cấp phiếu LLTP.

Cụ thể, đối với các trường hợp có thông tin LLTP về án tích trước ngày 1/7/2010 cần điều chỉnh thời hạn cấp phiếu cho phù hợp thực tế.

Trong trường hợp đã quá thời hạn tra cứu, xác minh thông tin nhưng các cơ quan có thẩm quyền (công an, tòa án) không có văn bản trả lời hoặc có văn bản trả lời về việc không có thông tin về tình trạng án tích thì Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp thực hiện cấp phiếu LLTP cho người dân.

Đồng thời xác nhận "không có án tích" nếu các kết quả tra cứu, xác minh thông tin cho thấy không có thông tin về cá nhân bị kết án bởi bản án có hiệu lực pháp luật.

Lạm dụng cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 về án tích

Đáng chú ý, Sở Tư pháp nhiều địa phương (Sóc Trăng, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Trị) kiến nghị Bộ Tư pháp trình Chính phủ trình Quốc hội các phương án sửa đổi, bổ sung quy định về cấp phiếu LLTP theo hướng chỉ cấp một loại phiếu theo yêu cầu của công dân.

Có địa phương đề nghị bỏ phiếu LLTP số 2, chỉ quy định phiếu số 1, bởi hiện nay quyền yêu cầu cấp phiếu số 2 đang bị lạm dụng, tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp phiếu này ngày càng gia tăng.

Việc bỏ quy định về cấp phiếu LLTP số 2 nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và bí mật đời tư của cá nhân.

Đề xuất gỡ khó tra cứu thông tin án tích - 2

Thông tin bị can Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, từng bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm và đã được xóa án tích, đang thu hút sự quan tâm của dư luận (Ảnh: Bộ Công Thương).

Trả lời các địa phương, đại diện Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia nhấn mạnh Luật Lý lịch tư pháp quy định phiếu LLTP số 2 được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình. Luật không quy định cấp phiếu số 2 cho các đối tượng khác.

"Quy định này bảo đảm nguyên tắc bảo vệ bí mật đời tư cũng như quyền tiếp cận thông tin của cá nhân. Thời gian qua, do chưa hiểu đúng quy định của luật nên một số tổ chức, doanh nghiệp đã yêu cầu cá nhân phải nộp phiếu số 2 để làm các thủ tục như xin việc làm, tuyển dụng lao động. Điều này là không đúng với quy định của luật", đại diện cơ quan này nhấn mạnh.

Để hạn chế tình trạng đó, Bộ Tư pháp cho rằng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức về ý nghĩa, giá trị của phiếu LLTP. Đặc biệt không được yêu cầu người dân nộp, xuất trình phiếu LLTP số 2 không đúng quy định.

 2 phiếu lý lịch tư pháp

Phiếu LLTP là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.

Phiếu LLTP gồm 2 loại. Phiếu LLTP số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 Luật LLTP 2009).

Phiếu LLTP số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009 và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Trong thời gian dài dư luận bức xúc khi những người hành nghề lái xe công nghệ, chạy Grab, xin việc ở khu công nghiệp,… cũng phải nộp phiếu LLTP cho doanh nghiệp dẫn tới cảnh ùn ùn, xếp hàng xin cấp phiếu này tại Sở Tư pháp địa phương.

Đề xuất gỡ khó tra cứu thông tin án tích - 3

Hai phiếu lý lịch tư pháp (Ảnh minh họa: BTP).

Theo ông Nguyễn Văn Bốn, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, một năm qua số lượng hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của công dân chưa có xu hướng giảm.

Từ tháng 7/2023 đến hết tháng 6/2024, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã phối hợp với V06, Bộ Công an và Phòng hồ sơ nghiệp vụ thuộc công an các tỉnh tra cứu, xác minh thông tin trên 995.000 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP theo yêu cầu của Sở Tư pháp (giảm 6.76%). Trong đó, trên 953.000 hồ sơ đúng hạn và 42.000 hồ sơ trễ hạn.

Thông tin "án tích" của cựu Thứ trưởng Công Thương thu hút dư luận

Theo cáo trạng vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil, năm 1988, bị can Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, từng bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; thời gian thử thách cho mức án tù này là 4 năm.

Bị can Nguyễn Lộc An, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) từng bị TAND tỉnh Lạng Sơn xét xử và tuyên mức án 3 năm tù vào năm 2002 nhưng cho hưởng án treo. Sau đó, tại phiên phúc thẩm, tòa tuyên phạt ông An 3 năm tù.

Cáo trạng cho thấy cả hai bị can trên đều đã được xóa án tích. Vụ việc lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận.