"Số lượng hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của người dân chưa giảm"
(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Văn Bốn, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp), 1 năm qua số lượng hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của công dân chưa có xu hướng giảm.
Thông tin được ông Nguyễn Văn Bốn nêu ra tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 23/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp của ngành tư pháp, sáng 27/9.
Không yêu cầu người dân phải nộp phiếu lý lịch tư pháp
Ông Nguyễn Văn Bốn, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) cho biết, Quyết định số 498 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp đã giao Bộ Tư pháp xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung 6 luật, 5 nghị định, 1 thông tư liên tịch thuộc 4 lĩnh vực: Nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, quốc tịch, bổ trợ tư pháp (đấu giá, công chứng, luật sư, giám định tư pháp, quản tài viên, thừa phát lại).
Bộ Tư pháp đã xây dựng quy định bám sát phương án cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ theo hướng không yêu cầu người dân phải nộp phiếu lý lịch tư pháp.
"Trường hợp cần phiếu thì cơ quan giải quyết thủ tục hành chính chủ động đề nghị cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp", ông Bốn cho hay.
Đến nay, 56/63 Sở Tư pháp đã thực hiện tra cứu, khai thác thông tin tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia để cấp phiếu với tổng số gần 200.000 hồ sơ.
Bộ Tư pháp cũng xây dựng quy trình phân quyền để Sở Tư pháp chủ động tra cứu, khai thác cơ sở dữ liệu của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia mà không cần cơ quan này phê duyệt từng hồ sơ.
Giải pháp kết nối dữ liệu lý lịch tư pháp với thi hành án dân sự, cơ sở dữ liệu do ngành công an, Bộ Quốc phòng, TAND tối cao và VKSND tối cao cũng đang được Bộ Tư pháp nghiên cứu.
Từ tháng 7/2023 đến hết tháng 6/2024, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã phối hợp với V06, Bộ Công an và Phòng hồ sơ nghiệp vụ thuộc công an các tỉnh tra cứu, xác minh thông tin trên 995.000 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu theo yêu cầu của Sở Tư pháp (giảm 6.76%). Trong đó, trên 953.000 hồ sơ đúng hạn và 42.000 hồ sơ trễ hạn.
"Nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất tại nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung đã được đưa vào sử dụng từ năm 2012 nên chưa đáp ứng yêu cầu tình hình mới hiện nay", ông Bốn nêu khó khăn đang gặp phải.
Chuẩn bị cấp phiếu trên VNeID
Sau thời gian thí điểm tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất mở rộng cấp phiếu lý lịch tư pháp trên toàn quốc qua ứng dụng VNeID từ ngày 1/10 đến hết 30/6/2025.
"Chúng tôi đã tham gia vào nhóm Zalo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong kết nối giữa Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thành phố với phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp", ông Bốn thông tin tại hội nghị.
Như vậy, từ tháng 10 tới, bên cạnh phương thức yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính và trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh/thành phố, công dân có thể thực hiện thủ tục yêu cầu cấp phiếu trên ứng dụng VNeID.
"Bộ Tư pháp sẽ tập trung xử lý, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp kịp thời, đầy đủ, chính xác. Phấn đấu đến ngày 31/12/2024 giải quyết được 100% thông tin lý lịch tư pháp còn tồn đọng. Mục tiêu là Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đủ để phục vụ công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp", Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia tin tưởng.
Giá trị của phiếu lý lịch tư pháp
Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.
Phiếu này gồm 2 loại: Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009.
Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009 và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
Trong thời gian dài, dư luận bức xúc trước tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp khi những người hành nghề lái xe công nghệ, chạy Grab, xin việc ở khu công nghiệp… cũng phải nộp phiếu này.