1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất chế độ, chính sách với cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Nội vụ đề xuất chế độ, chính sách đối với cán bộ không tái cử, tái cử bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội nghỉ công tác.

Ngày 4/12, Bộ Tư pháp công bố dự thảo Nghị định quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không tái cử, tái cử bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội nghỉ công tác.

Theo dự thảo, cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 20 năm trở lên, nếu có đơn tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi và được cấp thẩm quyền đồng ý thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và được hưởng thêm một số chế độ.

Cụ thể, dự thảo nêu các chế độ gồm: Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng tại thời điểm nghỉ hưu trước tuổi cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019; được trợ cấp 5 tháng tiền lương bình quân cho tổng số 20 năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương bình quân.

Đề xuất chế độ, chính sách với cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm - 1

Bộ Nội vụ đề xuất nhiều chế độ, chính sách đối với cán bộ không tái cử, tái cử bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ (Ảnh: Tiến Tuấn).

Dự thảo cũng nêu rõ, đối với cán bộ xếp lương chức vụ, nếu đã xếp lương bậc 1 của chức danh hiện đảm nhiệm đủ 48 tháng thì được xếp lên bậc 2 của chức danh hiện đảm nhiệm để nghỉ hưu, thời gian nâng bậc lương trước thời hạn là 12 tháng.

Đối với cán bộ xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng ở ngạch hiện giữ và còn thiếu từ 1-12 tháng để được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định thì được nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng.

Dự thảo giải thích, tiền lương hiện hưởng là tiền lương tháng thực lĩnh liền kề trước khi nghỉ hưu.

Tiền lương tháng thực lĩnh được tính, theo dự thảo bao gồm: Mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, mức chênh lệch bảo lưu lương, phụ cấp trách nhiệm đối với ủy viên các cấp (nếu có).

Tiền lương bình quân được xác định bằng bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Dự thảo cũng nêu rõ, thời gian thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm như trên là trước đại hội hoặc trước thời điểm bầu cử không quá 12 tháng và chậm nhất sau đại hội hoặc kết thúc bầu cử 1 tháng.

Ngoài ra, dự thảo quy định cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm còn dưới 24 tháng công tác sẽ đến tuổi nghỉ hưu, nếu không bố trí được vị trí công tác phù hợp thì được nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.

Với những cán bộ này, trong thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng nguyên mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, mức chênh lệch bảo lưu lương, phụ cấp trách nhiệm đối với ủy viên các cấp (nếu có).

Dự thảo nêu rõ, trong thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu, không thực hiện nâng ngạch, bậc lương đối với cán bộ nhưng tiếp tục thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định.

Cán bộ được sử dụng thường xuyên ô tô con phục vụ khi đang công tác, nếu tham gia các cuộc họp, hội nghị hoặc đi khám chữa bệnh thì báo cơ quan để bố trí xe đưa đón. Trường hợp cơ quan không bố trí được xe thì chủ động phương tiện đi lại và được thanh toán theo quy định.

"Cán bộ trong thời gian chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu vẫn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nơi công tác, nhưng không tính vào biên chế của cơ quan", dự thảo nêu.

Việc xác định thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng lương hưu thực hiện theo quy định tại năm cán bộ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Tại dự thảo đang được Bộ Tư pháp thẩm định, 3 đối tượng được nêu rõ sẽ không áp dụng các quy định trên gồm:

- Cán bộ thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Nghị định số 29/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế.

- Cán bộ đã có thông báo nghỉ hưu, quyết định nghỉ hưu của cấp có thẩm quyền hoặc cán bộ còn từ đủ 6 tháng trở lại, tính từ ngày tổ chức đại hội mà cán bộ tham gia cấp ủy đến ngày nghỉ hưu theo quy định.

- Cán bộ không tái cử cấp ủy các cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) được cấp có thẩm quyền bố trí tiếp tục làm công chức, viên chức trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân áp dụng chế độ, chính sách theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

Dự thảo nghị định này dự kiến trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới để có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Dự thảo nghị định được xây dựng dựa trên khoản 6 mục II Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng về thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ sau đại hội.

Ngoài ra còn căn cứ vào các luật có liên quan về chế độ, chính sách đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý khi nghỉ công tác như Luật Cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi và bổ sung năm 2019; Bộ luật Lao động năm 2019; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.