"Hành trình" sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Cả xã hội sẽ hưởng lợi
(Dân trí) - Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, nhận định điểm rất mới trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này là "làm từ trên xuống dưới, làm đồng bộ, toàn diện".
"Hành trình" sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nói thông tin nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thực sự rất đáng mừng, được dư luận ủng hộ.
Theo ông Phúc, công cuộc cải cách bộ máy đã được tiến hành từ 25 năm trước khi chúng ta đã đưa ra phương án mô hình Chính phủ chỉ nên gồm khoảng 16-17 bộ, ngành và sắp xếp theo nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực. Một số bộ, ban, ngành có chức năng nhiệm vụ tương đồng đã được tiến hành sáp nhập để phù hợp với đường lối đổi mới kinh tế, tạo tiền đề tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
"Tổ chức bộ máy của chúng ta đã được thu gọn từ 76 đầu mối xuống 30 đầu mối, có nhiều bộ được hình thành từ việc sáp nhập 6-7 bộ, ngành. Vào thời đó, chuyển đổi từ mô hình bao cấp sang kinh tế thị trường đã quyết tâm, đổi mới rồi, nhưng đến bây giờ với các phương án vừa đưa ra phải nói là một hành trình quyết liệt", ông Phúc nói.
Đến năm 1995, số lượng các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ vẫn còn rất lớn. Bộ máy Chính phủ cồng kềnh, nhiều tầng nấc khiến thủ tục hành chính rất phức tạp, trong khi vai trò quản lý của nhiều bộ, ngành bị thu hẹp lại.
Tháng 10/1995, Quốc hội khóa 9 quyết định sáp nhập các bộ, trong đó hợp nhất Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Năng lượng và Bộ Công nghiệp nhẹ thành Bộ Công nghiệp; thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở hợp nhất 3 bộ: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thủy lợi…
Trong giai đoạn từ năm 1992 đến 1997, Chính phủ có 36 bộ, ngành. Đến giai đoạn 1997-2002, Chính phủ lại có 48 đầu mối.
Tới khóa 11 (nhiệm kỳ 2002-2007), Chính phủ có 38 đầu mối, gồm 26 bộ, cơ quan ngang bộ và 12 cơ quan thuộc Chính phủ. Đến khóa 12, nhiệm kỳ 2007-2011, bộ máy của Chính phủ đã sắp xếp còn lại 30 đầu mối (22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ).
Giữa năm 2007, bộ máy Chính phủ tiếp tục được sắp xếp theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó Bộ Công nghiệp sáp nhập với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương; Bộ Thủy sản nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ Văn hóa - Thông tin được tách ra thành 2 ngành, trong đó ngành văn hóa sáp nhập với Ủy ban Thể dục thể thao và Tổng cục Du lịch hình thành Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; còn Cục Báo chí, Cục Xuất bản được sáp nhập vào Bộ Bưu chính - Viễn thông thành Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cũng trong giai đoạn này, Chính phủ quyết định giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và chuyển các chức năng của ủy ban này sang các bộ có liên quan. Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân số được chuyển về Bộ Y tế; chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về gia đình được chuyển sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về trẻ em được chuyển về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bộ máy của Chính phủ cơ bản giữ ổn định từ khóa 12 (2007-2011) đến nay với 30 đầu mối gồm: 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 15 vào tháng 7/2021, Chính phủ đề nghị Quốc hội "trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 như khóa 14" và đã được Quốc hội chấp thuận. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ có 22 cơ quan như hiện nay, gồm: 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.
18 Bộ là: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, nói ông từng tham gia chuẩn bị, xây dựng Nghị quyết 18-NQ/TW. Mấy nhiệm kỳ gần đây, theo ông, nhiệm kỳ nào Trung ương cũng có nghị quyết về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế nhưng có giai đoạn bộ máy lại phình ra, biên chế lại tăng thêm tới 96.000 người.
"Bây giờ nhìn lại có thể thấy kết quả chưa đạt được như mong đợi. Tất nhiên chúng ta đã giảm được một bước, giảm được tầng nấc trung gian, giảm đầu mối, giảm cán bộ lãnh đạo, giảm biên chế, giảm chi thường xuyên. Cái đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng có thể nói khi thực hiện Nghị quyết 18, chúng ta làm chưa thật toàn diện, đồng bộ, quyết liệt", ông Hà nói.
Ông Hà cho rằng, chúng ta chủ yếu mới sắp xếp, tinh gọn bộ máy bên trong từng bộ, ngành, từng cơ quan, trong bộ là tổng cục, cục, vụ, phòng ban.
"Bây giờ chúng ta làm tổng thể luôn. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm tinh gọn bộ máy, tinh giản cán bộ theo đúng nghĩa "cách mạng sâu sắc". Trước đây làm chưa toàn diện thì bây giờ làm toàn diện hơn; trước đây chưa đồng bộ thì bây giờ làm đồng bộ hơn; trước đây chưa quyết liệt thì bây giờ quyết liệt hơn", ông Hà nói tiếp.
Theo thông tin được công bố tại hội nghị ngày 1/12 vừa qua, Trung ương đang nghiên cứu, đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáp nhập với Bộ Tài chính; Giao thông vận tải sáp nhập với Xây dựng. Bộ Thông tin và Truyền thông sáp nhập với Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số; chuyển một số nhiệm vụ khác về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sáp nhập với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng sẽ kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.
Sáp nhập Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động và chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển nhiệm vụ về: Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Việt Nam kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan.
Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) chuyển về Ủy ban dân tộc, thành lập Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo. Hai Viện Hàn lâm khoa học và hai đại học quốc gia sẽ được nghiên cứu, đề xuất sắp xếp để đảm bảo hiệu quả, phát huy tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo. Học viện Hành chính quốc gia cũng được nghiên cứu sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Mô hình tổng cục trực thuộc các bộ sẽ nghiên cứu kết thúc hoạt động. Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, VTC sẽ kết thúc hoạt động, chuyển chức năng nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam.
Ngoài ra còn nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tinh gọn hệ thống Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội…
Điểm rất mới lần này, theo ông Nguyễn Đức Hà, Trung ương đã quyết định "làm từ trên xuống dưới, làm đồng bộ, toàn diện".
"Bản thân tôi thấy rằng đây là một bước tiến rất lớn, một quyết tâm rất cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương và đồng chí Tổng Bí thư", ông Hà nhận định.
"Cơ hội chín muồi", "cả xã hội sẽ được hưởng lợi"
Tiến sĩ Thang Văn Phúc cho rằng hệ thống, bộ máy đã có biểu hiện của chồng chéo, chồng lấn, nhiều bộ làm chung một việc dẫn tới hiệu quả không đạt như kỳ vọng.
"Việc đó mấy khóa xử lý chưa được. Kỳ này Trung ương, Tổng Bí thư, Chính phủ đang quyết tâm rất lớn, rất chiến lược. Đó là điều rất mừng. Kỳ này cần làm đồng bộ cho cả hệ thống chính trị, đoàn thể, Quốc hội, các cơ quan Nhà nước nói chung", ông Phúc mong mỏi.
Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập ngày sâu rộng, mạnh mẽ, kinh tế thị trường chuyển đổi mau lẹ nên theo ông Phúc, nếu bộ máy không thay đổi kịp thời, không phù hợp sẽ khó nắm bắt thời cơ để phát triển.
"Tôi hoàn toàn ủng hộ và rất ấn tượng với các chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế vừa được đưa ra. Chúng ta đã có hành trình mấy chục năm làm việc đó rồi", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc sáp nhập các bộ, ngành có chức năng tương đồng là một giải pháp quan trọng nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý Nhà nước, tiết kiệm nguồn lực và hiện đại hóa bộ máy hành chính.
"Thời điểm hiện tại có thể xem là cơ hội chín muồi để hiện thực hóa mục tiêu này. Sự quyết tâm chính trị từ cấp lãnh đạo cao nhất cùng đồng thuận xã hội sẽ là động lực quan trọng giúp Việt Nam tạo ra một bộ máy hành chính hiện đại, tinh gọn và hiệu quả hơn, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới", ông Sơn nói.
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nói khi sáp nhập phải đánh giá lại đội ngũ cán bộ, công chức. Những ai có thể đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của bộ đa ngành, đa lĩnh vực thì tiếp tục ở lại làm việc. Nếu không đạt yêu cầu phải giải quyết chuyển từ khu vực công sang tư, hoặc đi đâu đó theo nguyện vọng của mỗi người. Đấy mới là một cuộc cách mạng thực sự.
Từ những kinh nghiệm trong quá khứ về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, ông Nguyễn Đức Hà khẳng định trước hết phải làm tốt công tác tư tưởng.
"Bây giờ tôi thấy ý Đảng hợp lòng dân rồi, thông tin vừa qua tạo đồng thuận cao rồi, ai cũng thấy cần thiết phải làm. Nhận thức thông suốt, quan trọng lắm. Đó là bài học thống nhất ý chí và hành động", ông Hà phân tích.
Ông nhấn mạnh, việc chúng ta quyết tâm làm đồng bộ, toàn diện, làm cả khối các cơ quan Đảng, cả khối Chính phủ, Quốc hội, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, khối các cơ quan báo chí… như vậy sẽ khắc phục được tư tưởng chờ đợi, trông chờ, nhìn ngó nhau.
Đặc biệt, theo ông Hà, sự quyết liệt từ người đứng đầu đóng vai trò cực kỳ quan trọng vào thành công chung của chủ trương lớn.
"Ở đâu cũng vậy, từ to tới nhỏ, từ Trung ương tới địa phương khi người đứng đầu quyết liệt sẽ có vai trò cực kỳ quan trọng. Chúng ta đã có bài học từ đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, khi người đứng đầu quyết liệt sẽ huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trung ương làm, địa phương cũng làm, trên làm dưới cũng làm, không có ai ngoài cuộc cả, như thế mới đạt hiệu quả được", ông Hà tin tưởng.
Ông Hà đặc biệt tâm đắc với hai câu hỏi và câu trả lời được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra tại hội nghị ngày 1/12 vừa qua.
"Câu hỏi được đặt ra lúc này là chúng ta đã đủ thế và lực, đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa?", Tổng Bí thư Tô Lâm đặt câu hỏi và khẳng định câu trả lời là: "Đã đủ".
Với câu hỏi hiện nay đã là thời điểm, thời cơ và là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đưa ra câu trả lời: "Không thể chậm trễ hơn được nữa".
"Khi sắp xếp, sáp nhập sẽ có người thiệt thòi nhiều, người thiệt ít nhưng kết quả cuối cùng đem lại là hiệu quả cho toàn xã hội và ai cũng hưởng lợi trong đó. Vì thế nên Tổng Bí thư mới nói phải dũng cảm, hi sinh vì thế. Cả xã hội sẽ được hưởng lợi, ai cũng đều có phần lợi của mình trong đó", ông Nguyễn Đức Hà khái quát.