Đề xuất cảnh vệ được nổ súng tiêu diệt đối tượng có hành vi tấn công

(Dân trí) - Dự thảo Luật Cảnh vệ vừa được Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an trình bày trước Quốc hội nêu rõ, trong khi thi hành nhiệm vụ, chiến sĩ cảnh vệ được nổ súng để tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công…

Ngày 31/10, trình bày trước Quốc hội, Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật cảnh vệ quy định Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Cụ thể là Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng; Uỷ viên Bộ Chính trị; Bí thư T.Ư Đảng; Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng.

Thượng tướng Tô Lâm trình bày dự thảo Luật Cảnh vệ trước Quốc hội (Ảnh: Hoàng Long)
Thượng tướng Tô Lâm trình bày dự thảo Luật Cảnh vệ trước Quốc hội (Ảnh: Hoàng Long)

Dự luật nêu rõ, đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng được áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ như: Bảo vệ tiếp cận; Bố trí lực lượng Cảnh vệ vũ trang tuần tra, canh gác thường xuyên tại nơi ở, nơi làm việc; Kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại, chất nổ, chất cháy, các chất độc sinh, hóa học và chất phóng xạ; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng; Khi đi công tác bằng ô tô được bố trí xe Cảnh sát dẫn đường; đi bằng tàu hỏa được bố trí toa riêng, đi bằng tàu bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ...

Đối với nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ, được áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ: Bảo vệ tiếp cận; Bố trí lực lượng Cảnh vệ vũ trang canh gác thường xuyên tại nơi ở; Tăng cường lực lượng và phương tiện bảo vệ khi cần thiết.

Đối với Ủy viên Bộ Chính trị được áp dụng các biện pháp cảnh vệ: Bảo vệ tiếp cận; Bố trí lực lượng Cảnh vệ vũ trang canh gác thường xuyên tại nơi ở và nơi làm việc; Tăng cường lực lượng, phương tiện bảo vệ khi cần thiết; Khi sử dụng phương tiện đi lại bằng ô tô phục vụ công tác trong nước được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết…

Đối với Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ được áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ: Bảo vệ tiếp cận; Bố trí lực lượng vũ trang canh gác trong trường hợp tại nơi ở, nơi làm việc hoặc khu vực mà đối tượng cảnh vệ đang hoạt động có tình hình phức tạp về an ninh, trật tự; Khi sử dụng phương tiện đi lại bằng ô tô phục vụ công tác trong nước được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết…

Đặc biệt, trong khi thi hành nhiệm vụ, các Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh vệ chỉ được nổ súng trong các trường hợp: để cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; Để gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh báo nhưng không hiệu quả; Để tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trong tất cả các trường hợp phải tuân thủ các nguyên tắc về nổ súng quy định tại Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện của đơn vị, cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp tài sản, phương tiện thuộc cơ quan đại diện ngoại giao...

Báo cáo thẩm tra về dự luật trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến cho rằng, việc nổ súng liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Vì vậy, việc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ nổ súng phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng, Dự thảo Luật Cảnh vệ quy định nổ súng “để tiêu diệt” đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ là chưa phù hợp với nguyên tắc “người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra” và cần bảo đảm điều kiện về “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết” theo Bộ Luật hình sự.

Theo Ủy ban Quốc phòng An ninh, để kịp thời ngăn chặn hành vi đó, nhiều khi chỉ cần sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ hoặc bắn bị thương, vì nếu đối tượng còn sống sẽ thuận lợi hơn trong công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc.

Quang Phong