1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đề xuất 4 nhóm doanh nghiệp hưởng hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư

Phùng Minh

(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 4 nhóm doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ chi phí từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư - quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Chính phủ thành lập.

Hồ sơ dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư đang được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định.

Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trực thuộc Bộ Tài chính hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Chính phủ thành lập.

Quỹ Hỗ trợ đầu tư có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Quỹ có mục tiêu khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan soạn thảo) đề xuất 4 nhóm được hưởng hỗ trợ chi phí từ quỹ bao gồm: Doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).

Quỹ sẽ chi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền. Các hạng mục hỗ trợ chi phí gồm: Chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu và phát triển; đầu tư tạo tài sản cố định; sản xuất sản phẩm công nghệ cao; đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội.

Đề xuất 4 nhóm doanh nghiệp hưởng hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư - 1

Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội (Ảnh: Hà Phong).

Các doanh nghiệp muốn được hỗ trợ phải đáp ứng điều kiện: Có dự án đạt quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm.

Trường hợp đầu tư trong lĩnh vực chip, mạch tích hợp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) thì dự án có quy mô vốn tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm.

Doanh nghiệp thuộc diện được hưởng hỗ trợ theo điều kiện về quy mô vốn đầu tư phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 5 năm hoặc 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp, điều chỉnh quyết định chủ trương, chứng nhận đăng ký đầu tư.

Nếu đầu tư trong lĩnh vực chip, mạch tích hợp bán dẫn, AI, phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 5 năm hoặc 5.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Với doanh nghiệp có dự án R&D, dự thảo yêu cầu phải có dự án quy mô vốn tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm.

Doanh nghiệp thuộc diện được hưởng hỗ trợ theo điều kiện về quy mô vốn đầu tư phải giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 5 năm hoặc 5.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm…

Đặc biệt, các doanh nghiệp nêu trên phải đáp ứng điều kiện không có các khoản nợ thuế, nợ ngân sách nhà nước quá thời hạn khi nộp hồ sơ.

Theo dự thảo, hội đồng xét duyệt hỗ trợ đầu tư gồm Chủ tịch hội đồng, Phó chủ tịch hội đồng và các thành viên hội đồng. Chủ tịch hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trường hợp tổng mức đề xuất hỗ trợ vượt quá phạm vi năng lực tài chính của quỹ tại năm thực hiện chi hỗ trợ, Hội đồng xét duyệt giao Quỹ Hỗ trợ đầu tư thực hiện các thủ tục theo quy định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm ngân sách từ nguồn phù hợp của Chính phủ.

Trước đó, Nghị quyết 110/2023 Quốc hội khóa XV giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích.

Vì sao không có đối tượng công nghiệp quốc phòng, an ninh?

Trước đề xuất của Bộ Quốc phòng về bổ sung đối tượng "công nghiệp quốc phòng, an ninh" vào nhóm được hưởng hỗ trợ chi phí từ quỹ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng "chưa phù hợp".

Cơ quan soạn thảo phân tích, các ngành, lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng có tính chất đặc thù, trong đó một số ngành, lĩnh vực là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và hạn chế tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài.

Việc quy định thêm đối tượng này sẽ gây bất bình đẳng cho các doanh nghiệp và không phù hợp với mục tiêu của quỹ.

"Các dự án về an ninh quốc phòng thường có yếu tố bảo mật cao. Quá trình thẩm định, xét duyệt có thể rất phức tạp và lại khó đảm bảo được việc bảo mật các thông tin nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc phòng", tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm