1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đề nghị thiết kế phiếu tín nhiệm chỉ với 2 mức

(Dân trí) - Mở rộng đối tượng lấy phiếu đến GĐ Sở, thu hẹp diện lấy phiếu cán bộ công tác tại cơ quan dân cử; xây dựng mẫu báo cáo kết quả công tác; chỉ đánh giá tín nhiệm ở 2 mức… UB Thường vụ QH nhận nhiều kiến nghị thay đổi việc lấy phiếu tín nhiệm.

Lần đầu lấy phiếu tín nhiệm tại QH được đánh giá là cho kết quả khách quan, tích cực.
Lần đầu lấy phiếu tín nhiệm tại QH được đánh giá là cho kết quả khách quan, tích cực.
 
Đánh giá về lần đầu thực hiện lấy phiếu tín nhiệm tại QH và HĐND các cấp, UB Thường vụ QH khái quát, công việc đã được tiến hành nghiêm túc, công khai, minh bạch, đảm bảo quy trình, thủ tục và nguyên tắc tập trung dân chủ, vai trò của đại biểu QH, đại biểu HĐND được đề cao. Việc làm này cũng tạo được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của dư luận, sự tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước.

Chỉ ra những điểm còn hạn chế, vướng mắc, UB Thường vụ QH cũng ghi nhận kiến nghị của từ một số tỉnh, thành phố về mở rộng đối tượng lấy phiếu tại địa phương đến thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp vì diện đối tượng lấy phiếu hiện còn quá hẹp. Các GĐ Sở, trưởng phòng, ban chuyên môn này dù không phải do HĐND bầu nhưng có liên quan và ảnh hưởng nhiều đến đời sống, kinh tế - xã hội ở địa phương, cần được giám sát của nhân dân.

Ngược lại, ý kiến từ Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng… lại đề nghị thu hẹp đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, không cần lấy phiếu tín nhiệm với Trưởng, Phó các Ban của HĐND.

Về vấn đề tiêu chí, quy chuẩn khi thực hiện báo cáo công tác của người được lấy phiếu, có ý kiến đề nghị hướng dẫn cụ thể về mẫu báo cáo cho thống nhất; trong đó cần có phần hạn chế, thiếu sót và phương hướng khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; quy định rõ báo cáo này có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền…

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng báo cáo này không nên có sự xác nhận của cơ quan thẩm quyền, mà là sự tự giác, trung thực của người làm báo cáo, việc xem xét, đánh giá thuộc trách nhiệm của đại biểu QH, đại biểu HĐND để bảo đảm phát huy dân chủ. Mặt khác, những người được lấy phiếu tín nhiệm đều là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước ở TƯ, địa phương; việc xác nhận, nhận xét, đánh giá cán bộ này phải theo quy trình và thẩm quyền quản lý cán bộ, trong đó kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại QH, HĐND là một kênh quan trọng.

Về phiếu tín nhiệm và hình thức đánh giá tín nhiệm, một số địa phương đề nghị việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên quy định ở hai mức. Đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm nếu có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì bỏ phiếu tín nhiệm, quy định như hiện nay (trên 2/3 đại biểu) là chưa phù hợp, vì khi tiến hành bầu cử, người đưa ra bầu cũng chỉ cần trên 50% tổng số đại biểu đồng ý là đã trúng cử.

Nhận định về những đề xuất này, UB Thường vụ QH cho rằng, tất cả các vấn đề đặt ra trong quá trình thảo luận trước khi ban hành Nghị quyết số 35 về lấy phiếu tín nhiệm đã được cân nhắc thảo luận kỹ. UB Thường vụ QH cho rằng cần kiên trì, nghiêm túc thực hiện nghị quyết này.
 

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần đầu.

Tại Quốc hội, trong số 47 chức danh được lấy phiếu, 18 người có phiếu “tín nhiệm cao” đạt từ 50% trở lên (bằng 38,3%); 34 người có tỷ lệ phiếu cộng cả 2 mức “tín nhiệm cao” hoặc “tín nhiệm” đạt trên 50% (chiếm 72,4%); 16 người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” từ 10% trở lên (chiếm 34%), trong đó từ 10% đến dưới 20% có 8 người chiếm 17%, từ 20% trở lên đến 41% có 8 người, chiếm 17%. Không ai có số phiếu “tín nhiệm thấp” vượt quá 50% tổng số phiếu.

Tại HĐND cấp tỉnh, trong 907 chức danh có 689 người có tỷ lệ số phiếu “tín nhiệm cao” đạt từ 50% trở lên (chiếm 76%); 39 người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm” đạt trên 50% (chiếm 4,3%); 2 người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% (chiếm 0,3%), cả hai trường hợp này đều ở tỉnh Gia Lai.

Có 8 tỉnh 100% người được lấy phiếu tín nhiệm có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao” đạt trên 50% là Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Bình, Tuyên Quang.

Ở cấp huyện, tính đến ngày 4/10/2013 trong 6.588 người được lấy phiếu tín nhiệm, 12 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp (chiếm 0,2 %).

Ở cấp xã đã có 57.720 người được lấy phiếu tín nhiệm. 448 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp (chiếm 0,8%), trong số này 5 người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp (tại tỉnh Bình Phước, Cao Bằng, Phú Thọ, Kon Tum, Thanh Hóa).

Theo đánh giá của các địa phương, kết quả này đã phản ánh đúng thực trạng kinh tế, xã hội và tình hình hoạt động của bộ máy nhà nước ở địa phương; đồng thời phản ánh đúng thực trạng năng lực thực tiễn, sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Những người có mức đánh giá “tín nhiệm thấp” trên 50% ở cấp xã và cấp huyện nguyên nhân chủ yếu là do năng lực hạn chế; do đặc thù của một số ngành, lĩnh vực công tác, nhất là những công việc liên quan đến người dân giải quyết hiệu quả chưa cao; trong đó có người vi phạm khuyết điểm đã và đang được xem xét kỷ luật.

P.Thảo