TPHCM:
Đề nghị tăng mức phạt đối với tội phạm mua bán người
(Dân trí) - Theo UBND TPHCM, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn thành phố vẫn còn rất phức tạp. Một trong những nguyên nhân chính là do việc xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Bán người Việt ra nước ngoài làm nô lệ
Theo báo cáo của UBND TPHCM gửi Bộ Công an, điểm đáng chú ý của tội phạm mua bán người trên địa bàn thành phố trong năm qua là tình trạng lừa bán phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng hoặc kinh doanh tình dục, chủ yếu tập trung vào địa bàn Trung Quốc và Malaysia.
Trong năm 2012, Công an Thành phố đã khởi tố 1 vụ, bắt 2 đối tượng mua bán người qua Malaysia nhằm mục đích hoạt động mại dâm. Hiện vẫn đang tiến hành điều tra truy xét 9 vụ; trong đó có 5 vụ đưa phụ nữ Việt Nam sang Malaysia hoạt động mại dâm, 3 vụ đưa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc (nghi bị bán), 1 vụ lừa phụ nữ Việt Nam sang Nga hoạt động mại dâm.
Ngoài ra, Công an Thành phố còn phát hiện điều tra xử lý 5 vụ môi giới phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc) trái phép, xử lý 11 đối tượng người Việt Nam, 2 người Hàn Quốc và 6 người Trung Quốc.
Cũng trong báo cáo này, UBND TP thừa nhận TPHCM hiện nay vẫn còn là địa bàn phức tạp về tổ chức môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài. Hành vi môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài tiềm ẩn nguy cơ bị đối tượng lợi dụng để hoạt động mua bán người, đưa phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài rồi buộc làm gái mại dâm, khống chế làm nô lệ tình dục…
Gần đây, trên địa bàn thành phố lại xuất hiện thêm phương thức tuyển lao động vị thành niên từ các gia đình nghèo khó ở các tỉnh phía Bắc để ép buộc làm việc trong điều kiện kham khổ trong các cơ sở thủ công cách ly. Thậm chí còn có tình trạng tuyển lao động thành niên sang Nga rồi lừa bán cho các xí nghiệp ở đó, bắt lao động như nô lệ.
Trong năm qua, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố cũng đã tiếp nhận 73 trường hợp phụ nữ bị mua bán từ nước ngoài trở về, 55 trẻ em bị bóc lột sức lao động.
Khó bắt, khó xử, mức phạt lại quá nhẹ
Theo báo cáo của UBND TP, các đối tượng hoạt động môi giới hôn nhân trái phép ngày càng tinh vi, thay đổi phương thức hoạt động liên tục nhằm đối phó với cơ quan công an. Các đối tượng này không tập trung nhiều phụ nữ đi xem mắt tại 1 địa điểm cho người nước ngoài chọn lựa mà mỗi lần chỉ đưa từ 1 - 2 cô gái đến nhà trọ, khách sạn nằm ở những khu vực vắng vẻ, lúc đêm khuya…
Ngoài ra, hoạt động này được chúng tổ chức rất nhanh, có bố trí canh gác nhiều tầng, nhiều trạm và địa điểm tổ chức được thay đổi liên tục. Do đó, việc bắt quả tang được các đối tượng này hết sức khó khăn.
Công tác nắm địa bàn để phát hiện tội phạm cũng rất khó vì các đối tượng tham gia hoạt động này chủ yếu là người ngoại tỉnh, các cô gái bị lừa bán cũng là người ngoại tỉnh, TPHCM chỉ là địa bàn “tập kết” cho hoạt động này.
Khi phát hiện, công tác điều tra truy xét của cơ quan công an cũng gặp rất nhiều khó khăn vì các nạn nhân hầu hết là chị em phụ nữ nhận thức kém, trình độ văn hóa thấp nên thiếu cảnh giác, không nắm được nhân thân của tội phạm.
Việc xử lý các vụ lừa bán phụ nữ ra nước ngoài hoạt động mại dâm hiện cũng còn gặp rất nhiều trở ngại. Bởi các đối tượng phạm tội đang ở nước ngoài và thông tin về tội phạm do các nạn nhân được giải cứu trở về cung cấp cũng rất mờ nhạt, rất khó điều tra.
Ngoài ra, dù điều tra có kết quả rồi nhưng vẫn còn bất cập rất lớn là việc xử lý hành vi vi phạm, nhất là hành vi của những đối tượng tổ chức môi giới kết hôn trái phép còn ở mức xử phạt hành chính. Mức xử phạt hành chính lại quá nhẹ, chỉ từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng. Theo UBND TPHCM, chế tài phạt tiền hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. UBND TPHCM đề nghị tăng mức phạt tiền cao hơn, có thể tính theo giá trị thu lợi bất chính của người vi phạm.
Tùng Nguyên