1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Đề nghị nâng cao mức phạt hành vi phá hoại môi trường

(Dân trí) - Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng cần mạnh tay hơn nữa đối với hành vi phá hoại môi trường, khai thác động vật hoang dã và tiêu thụ bất hợp pháp.

Hội thảo "Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN & MT) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa tổ chức trong phiên họp Quốc hội. Mục đích là thu hút sự chú ý của các thành viên Quốc hội đối với những thách thức lớn và đề xuất các giải pháp khả thi liên quan đến các vấn đề quan trọng về đa dạng sinh học ở Việt Nam, nhằm tác động đến quá trình ra quyết định liên quan đến quản lý đa dạng sinh học. Đây là lần đầu tiên một bản tóm tắt toàn diện về các vấn đề đa dạng sinh học được trình bày cho các thành viên Quốc hội.

Theo báo cáo, mặc dù đã có nhiều nỗ lực bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, như Chiến lược hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013, nhưng nguồn tài nguyên sinh vật vẫn đang phải chịu áp lực ngày càng tăng và đang giảm mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, nạn khai thác động vật hoang dã quá mức phục vụ cho hoạt động tiêu thụ bất hợp pháp được xem là một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay.

C
Cần mạnh tay hơn nữa đối với hành vi phá hoại môi trường

"Vấn đề đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn cần phải được quan tâm đúng mức hơn, nhằm đảm bảo khả năng tiếp tục khai thác, sử dụng bền vững để phục vụ cho cuộc sống…” - ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Ủy ban thường trực về Khoa học, Công nghệ và Môi trường nói.

Các đại biểu cũng nhận định, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm về gỗ và động vật hoang dã là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự suy giảm của đa dạng sinh học. Do đó, Việt Nam cần tập trung nỗ lực nhiều hơn vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng để giảm thiểu cũng như kiểm soát nhu cầu của thị trường.

Theo đó, cần phải đưa hành vi vi phạm nghiêm trọng liên quan đến động vật hoang dã ra ánh sáng. Như vụ phát hiện và thu giữ gần 1.000 tiêu bản rùa biển vừa qua tại tỉnh Khánh Hòa, cần phải công khai lên án những hành vi đó, áp dụng mức hình phạt mạnh tay và công bố danh tính những đối tượng liên quan.

Các đại biểu cũng cho rằng, hệ thống quản lý đa dạng sinh học của Việt Nam hiện còn phân tán và tồn tại những yếu kém trong công tác quản lý. Sự thống nhất hệ thống quản lý đa dạng sinh học là điều cần thiết để làm giảm tốc độ và đảo ngược sự suy thoái tài nguyên đa dạng sinh học.

Vì thế, cần có cơ chế để tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và xã hội hoá việc bảo vệ động vật hoang dã.

"Nguồn tài nguyên đa dạng sinh học vẫn tiếp tục bị suy giảm vì nhiều nguyên nhân. Để tăng cường công tác quản lý đa dạng sinh học, việc cải cách chính sách và tăng cường thực thi pháp luật trong bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ rất quan trọng." –  PGS. TS Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu.

Bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia của tổ chức UNDP cũng nhấn mạnh về việc cần đầu tư hơn nữa cho bảo tồn đa dạng sinh học so với các khoản đầu tư nhỏ như hiện nay. Bà Louise cũng đưa ra năm gợi ý để tăng cường quản lý đa dạng sinh học tại Việt Nam, trong đó bao gồm việc tăng nguồn phân bổ ngân sách nhà nước cho công tác bảo tồn và áp dụng những phương pháp tiếp cận sáng tạo hơn để nâng cao và duy trì tài chính cho các khu bảo tồn, tái cấu trúc bộ máy tổ chức để giải quyết sự chồng chéo giữa các cơ quan có trách nhiệm.

Phạm Thanh