1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đề nghị hủy bỏ đề xuất “phạt báo chí 100 triệu đồng”

(Dân trí) - “Việc xử phạt báo chí phải để Quốc hội quyết định, không thể để các bộ ngành có công cụ để “trả đũa”, “trừng phạt” báo chí thường xuyên thông tin những vấn đề không tốt của ngành mình”.

Đó là quan điểm của luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đưa ra tại hội thảo “Chế tài hành chính về xử lý thông tin sai sự thật trên báo chí: Ai cũng được phạt báo chí?” do Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) - Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), tổ chức sáng ngày 5/2.

Đề nghị hủy bỏ đề xuất “phạt báo chí 100 triệu đồng”
MEC cho biết sẽ kiến nghị Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan hủy bỏ đề xuất xử phạt báo chí 100 triệu đồng khi thông tin sai.

Theo nghiên cứu của MEC, pháp luật về báo chí hiện hành (Luật Báo chí sửa đổi 1999 và Quy chế 03/2007 về cải chính trên báo chí do Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành) đang trao cho các bộ, ngành quyền kết luận về các nội dung báo chí nêu liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình; từ đó có quyền yêu cầu báo chí cải chính, xin lỗi.

“Từ bất cập này, nhiều bộ ngành đã soạn thảo các nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý của mình bao gồm xử lý cả thông tin báo chí nêu về ngành với nhiều mức phạt khác nhau, đối với nhiều chủ thể khác nhau. Từ đây gây ra sự chồng chéo về quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí, tạo ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” có thể hạn chế tính phản biện, phê bình của báo chí đã được quy định tại Luật Báo chí”- đại diện MEC cho biết.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đặt vấn đề: Ngoài Bộ Thông tin và Truyền thông thì các cơ quan, bộ ngành khác lấy thẩm quyền ở đâu để triệu tập phóng viên các báo tới cơ quan mình, rồi lập biên bản vì thông tin sai sự thật và chuyển văn bản sang Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt? Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền để thẩm tra lại văn bản của thanh tra các bộ khác gửi sang hay không?

“Tôi cho rằng các bộ ngành hãy lo xử phạt ngay trong ngành mình trước đi. Đó là xử phạt đối với những cán bộ có thẩm quyền cung cấp thông tin sai sự thật cho báo chí hoặc cung cấp thông tin chậm, không kịp thời, không đầy đủ. Việc xử phạt báo chí thông tin sai hãy để cho cơ quan quản lý báo chí thực hiện. Bộ ngành thấy báo chí viết sai thì hãy gửi văn bản tới cơ quan báo chí đó, nếu họ không giải quyết thì gửi ngay đơn tới tòa án. Uy tín của tờ báo sẽ còn không khi tòa án phán quyết rằng tờ báo đó đã thông tin sai sự thật”- luật sư Truyền nói.

Đồng tình với quan điểm của ông Truyền, ông Đào Ngọc Tước - Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam - cho rằng các cơ quan báo chí sẵn sàng bồi thường thiệt hại cho đơn vị liên quan khi thông tin sai sự thật. Tuy nhiên việc bồi thường thiệt hại này cần phải được dựa trên phán quyết của tòa án, chứ không thể để xảy ra chuyện ngành nào cũng có thẩm quyền tự quyết việc xử phạt như thế nhiều bộ ngành đang mong muốn được.

Dẫn ra chuyện UBND tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã phải hủy bỏ quy định về việc xử phạt phóng viên các báo hoạt động trên địa bàn vào cuối năm 2014, ông Mai Phan Lợi - Phó tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TPHCM - cho rằng Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan cần phải đánh giá lại đề xuất xử phạt báo chí thông tin sai. “Tôi không hiểu họ lấy căn cứ ở đâu để đưa ra đề xuất xử phạt số tiền rất lớn, lên tới 100 triệu đồng, trong khi quy chế về phát ngôn với báo chí không được các bộ ngành thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Hơn nữa đến giờ vẫn chưa có chế tài về việc cung cấp thông tin chậm trễ, không kịp thời và thiếu chính xác cho báo chí thì xử ra sao?”- ông Lợi đặt vấn đề.   

Đại diện MEC cho biết sẽ tổng hợp ý kiến phát biểu, khảo sát tại buổi hội thảo này để chính thức có văn bản kiến nghị gửi tới Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan đề nghị hủy bỏ đề xuất bổ sung Điều 8a (trong đó có quy định xử phạt báo chí thông tin sai 100 triệu đồng - PV) vào sau Điều 8 của Nghị định 159/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản.

Đồng thời MEC sẽ kiến nghị Chính phủ thống nhất giao một đầu mối là Bộ Thông tin và Truyền thông xác định, xử phạt thông tin sai sự thật theo Nghị định 159/2013; bổ sung chế tài đối với cơ quan quản lý nhà nước vào Điều 9 Nghị định 159/2013 về việc chậm cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai và cung cấp thông tin không đầy đủ.

Một số bộ ngành liên quan có cử đại diện tới tham dự hội thảo nhưng không ai đăng ký phát biểu, phản hồi. 

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm