1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đề nghị giám sát chuyên đề về hiệu quả đầu tư

(Dân trí) - "Không nước nào xung quanh ta bỏ ra 8 đồng để lấy một đồng tăng trưởng”, Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) nhấn mạnh trong phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế- xã hội.

Chuyển sơ cứu sang… trị bệnh

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hoà (Tp HCM) cho rằng, nền kinh tế đã đạt được mục tiêu tăng trưởng như mong đợi. Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng dương và “ở mức kha khá”...

Tuy nhiên, theo ông Hoà, giải pháp của ta vẫn là bỏ thêm tiền để “mua” về tăng trưởng. Do dựa vào bơm tiền, hiệu quả lại thấp nên chỉ số ICOR (hiệu quả tăng trưởng trên đồng vốn đầu tư) cao, tái lạm phát có khả năng xảy ra, trong khi các nguồn lực khác chưa được khai thác triệt để.
 
Đề nghị giám sát chuyên đề về hiệu quả đầu tư - 1
Các đại biểu thảo luận ở tổ

Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) có cùng mối lo ngại: “Chỉ số ICOR của Việt Nam là số 1 khu vực – không nước nào xung quanh ta bỏ ra 8 đồng để lấy một đồng tăng trưởng”.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ ngư dân trên biển, đại biểu Nguyễn Tiến Trịnh (Quảng Nam) cho rằng, chúng ta làm chưa tốt, từ đó đề nghị Chính phủ cần có các biện pháp hiệu quả hơn. Theo ông Trịnh, hàng triệu người dân đang đòi hỏi phải được bảo vệ và Quốc hội cũng phải quan tâm đến vấn đề này.

Đáng nói hơn, theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), chỉ số ICOR lớn không nằm ở khu vực đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài mà nằm ở khu vực kinh tế nhà nước. “Đề nghị Uỷ ban Kinh tế hoặc Quốc hội nên có giám sát chuyên đề về ICOR, không thể để năm nào ICOR cũng tăng, năm sau cao hơn năm trước”, ông Hùng đề nghị.

Liên quan đến gói kích cầu, chủ nhiệm UB Kinh tế, Hà Văn Hiền đánh giá, hiệu quả đã rõ, song mặt trái cũng không ít.

Trong số hơn 400.000 doanh nghiệp, chỉ có khoảng 20% được hỗ trợ đã tạo nên sự thiếu bình đẳng. Ngoài ra, hiện tượng đảo nợ, rồi vay từ ngân hàng này gửi ngân hàng khác để lấy chênh lệch lãi suất cũng có.

Đại biểu Trần Du Lịch cho biết, qua giám sát, có doanh nghiệp thu lãi 40 tỉ đồng thì có đến 35 tỉ từ hỗ trợ lãi suất. Ông Lịch đề nghị, đến 31/12, dứt khoát phải dừng gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, để doanh nghiệp không còn “tơ tưởng” đến nữa.

“Chúng ta phải trị bệnh, chứ không thể sơ cứu hoài”, ông Lịch nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hoà nhìn nhận, gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đã hoàn thành sứ mệnh giải quyết những khó khăn trước mắt. “Chúng ta nên dừng gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn vào cuối năm nay như đã định”, ông Hoà đề nghị.

Không thể mãi tăng trưởng về lượng

“Người ta đang chạy đua tái cấu trúc kinh tế, ta không thể cứ ngồi chỗ tăng trưởng mãi về lượng”, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị. Đại biểu này cũng không hài lòng với đề án đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bộ KH & ĐT, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo để xây dựng đề án tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh.
 
Đề nghị giám sát chuyên đề về hiệu quả đầu tư - 2
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) phát biểu

Với quan điểm như trên, ông Lịch tán thành với mục tiêu tăng trưởng 6,5% Chính phủ đã đặt ra cho năm 2010. Về chỉ số lạm phát, theo ông không nên “tự trói” bằng mục tiêu 7%, bởi do nới lỏng chính sách tiền tệ và hiện vẫn đang tiếp tục giải ngân, chỉ số lạm phát dưới 10% đã là tốt.

Rất nhiều ý kiến khác chưa đồng tình với con số bội chi ngân sách bằng 6,5% như Chính phủ đề xuất. Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế ông Hà Văn Hiền, hoàn toàn có thể đạt con số 6,0% nếu Chính phủ tiếp tục cắt giảm chi tiêu công.

Cấn Cường

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm