Đề nghị châu Âu ưu tiên Việt Nam tiếp cận nguồn cung vắc xin

Thái Anh

(Dân trí) - Hội kiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu trong khuôn khổ chương trình thăm, làm việc tại Bỉ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập khả năng tiếp cận nguồn cung vắc xin hoặc chia sẻ vắc xin dôi dư của EU.

Đề nghị châu Âu ưu tiên Việt Nam tiếp cận nguồn cung vắc xin - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel.

Trong cuộc gặp chiều tối 8/9, Chủ tịch Hội đồng châu Âu hoan nghênh Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm làm việc với Hội đồng châu Âu (EC) và Nghị viện châu Âu (EP) để trao đổi nhiều vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong đó có thúc đẩy hợp tác hai bên trên tất cả các lĩnh vực, nhất là hỗ trợ nhau trong phòng chống Covid-19 và phục hồi sau đại dịch, củng cố hợp tác ASEAN và EU…

Chủ tịch Hội đồng châu Âu đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm và làm việc tại EU lần này của đoàn Quốc hội Việt Nam sau một thời gian dài ảnh hưởng đại dịch và cho rằng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới đã ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của việc thực thi hiệp định EVFTA. Sắp tới, hai bên cần khai thác hết tiềm năng to lớn mà hiệp định này mang lại.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, EU là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam về thương mại, đầu tư, đặc biệt là kết quả triển khai Hiệp định EVFTA sau hơn 1 năm có hiệu lực cho thấy những lợi ích kinh tế to lớn cho cả hai phía, thương mại tăng 18%  dù chịu nhiều khó khăn của đại dịch Covid-19.

Để tăng cường hợp tác một cách toàn diện, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, ông Vương Đình Huệ đề nghị EC tiếp tục ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp hai bên và thúc đẩy Nghị viện các nước EU sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam- EU (EVIPA).

Đề nghị châu Âu ưu tiên Việt Nam tiếp cận nguồn cung vắc xin - 2

Cuộc hội kiến diễn ra tại thủ đô Brussels, Bỉ.

Về hợp tác phòng chống Covid-19 và vắc xin, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn EU đã ủng hộ 2,4 triệu liều vắc xin và giúp đỡ Việt Nam phòng chống dịch Covid-19. Ông cũng mong muốn Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu dành ưu tiên cho Việt Nam trong tiếp cận nguồn cung vắc xin của châu Âu, qua cơ chế COVAX hoặc chia sẻ vắc xin dôi dư, hỗ trợ cung cấp trang thiết bị y tế thiết yếu, thuốc điều trị Covid-19 trong bối cảnh Việt Nam đang rất khó khăn do chủng mới Delta gây ra.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh với năng lực của Việt Nam cũng như nhằm chủ động trong nguồn cung vắc xin trong nước và cung cấp cho khu vực, đề nghị EC ủng hộ hợp tác sản xuất vắc xin tại Việt Nam.

Trong cuộc trao đổi, hai bên thống nhất quan điểm, EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó Covid-19 trong đó có việc viện trợ và hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn vắc xin cũng như thuốc điều trị và trang thiết bị y tế…

Ngoài ra, hai bên cùng cho rằng, trước tác động và hệ lụy do Covid-19 và biến đổi khí hậu gây ra, cần tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu cũng như tham gia các nỗ lực và hành động chung ứng phó biến đổi khí hậu. Hai bên cũng chia sẻ quan điểm ủng hộ một khu vực ASEAN ổn định, hợp tác và thịnh vượng; duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982.

Nhân chuyến thăm làm việc với Nghị viện châu Âu và Vương quốc Bỉ, chiều 8/9 theo giờ địa phương, tại thủ đô Brussels, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp đại diện một số tập đoàn kinh tế.

Đề nghị châu Âu ưu tiên Việt Nam tiếp cận nguồn cung vắc xin - 3

Chủ tịch Quốc hội tiếp Giám đốc cấp cao, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn ExxonMobil.

Tại cuộc tiếp Giám đốc cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn dầu khí ExxonMobil (Hoa Kỳ), ông Perer Lavoy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn trong việc triển khai và hoàn tất việc ký kết thỏa thuận nguyên tắc về bảo lãnh và cam kết của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng dự án Cá Voi Xanh với tổng vốn đầu tư đạt 20 tỷ USD để sản xuất khí tự nhiên ngoài khơi tại miền Trung Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, là điều kiện quan trọng để Việt Nam xây dựng và vận hành các nhà máy điện khí tại khu vực miền Trung; đề nghị Tập đoàn và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục phối hợp chặt chẽ để duy trì đúng tiến độ, đưa dòng khí đầu tiên vào bờ vào năm 2024.

Cũng tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam bị tác động lớn của đại dịch Covid-19 và đang nỗ lực ứng phó, đề nghị ông Perer Lavoy có tác động tới Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam, hoặc nhượng lại số vắc xin dôi dư, giúp Việt Nam đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch, trong đó có các khu công nghiệp để đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Đề nghị châu Âu ưu tiên Việt Nam tiếp cận nguồn cung vắc xin - 4

Chủ tịch Quốc hội tiếp thành viên Hội đồng quản trị Công ty Infra Asia Investment.

Tiếp ông Fabien De Jonge, thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Infra Asia Investment (IAI) - Công ty đã đầu tư các khu công nghiệp tại Hải Phòng và Quảng Ninh với số vốn 1,2 tỷ USD và hiện đang có định hướng mở rộng hoạt động đầu tư trong một số lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao chủ trương mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Về kiến nghị của công ty khi gặp khó khăn trong triển khai dự án hạ tầng khu công nghiệp và cảng Nam Tiền Phong do diện tích đất chồng lấn giữa hai địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư sớm bàn bạc tìm ra cách thức giải quyết phù hợp, đúng quy định.

Tiếp ông Eddy Bruyninckx, đại diện Công ty International Port Engineering & Investments Limited (IPEI), Chủ tịch Quốc hội cho biết, logistics hiện đang được Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm thúc đẩy. Tuy nhiên, hoạt động logistics hiện vẫn gặp những khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh. Cho rằng, dự án trung tâm Logistics Cái Mép Hạ (Vũng Tàu) có thể được coi là dự án "mẫu " trong thể hiện vai trò của IPEI và sự hợp tác của các đối tác có năng lực của châu Âu.