Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp:
Đề nghị Chánh án TAND Tối cao xem lại việc bồi thường cho ông Nén
(Dân trí) - Chiều 27/10, thảo luận về dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã đề nghị Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét lại việc TAND tỉnh Bình Thuận chỉ chấp nhận bồi thường cho 17 năm ngồi tù oan của ông Huỳnh Văn Nén số tiền 2,6 tỷ đồng.
Theo bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước rất phức tạp và cực kỳ quan trọng nên khi xây dựng phải đảm bảo cân bằng cả hai vế: Quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong tham gia hoạt động về hành chính và tố tụng; đảm bảo thúc đẩy hoạt động bình thường của cán bộ, công chức, chức danh tố tụng và cơ quan nhà nước.
“Nếu nghiêng về một trong hai bên thì cũng rất khó. Tôi cho rằng cơ quan soạn thảo (Bộ Tư pháp) phải mời Bộ Công an, TAND tối cao, VKSND Tối cao để cùng rà soát lại cụ thể, phải rà từng chữ, từng trường hợp cụ thể chứ tôi thấy tờ trình nói một đằng, dự thảo nói một nẻo”- bà Nga nói.
Liên quan đến một số trường hợp bị oan sai, gây bức xúc dư luận nhưng thời gian đòi bồi thường lại bị kéo dài như trường hợp như ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), bà Lê Thị Nga đề nghị phải xem xét lại quy trình giải quyết.
“Vụ ông Chấn xong rồi, nhưng còn vụ ông Nén thì lúc đầu thỏa thuận bồi thường hơn 10 tỷ đồng, nhưng sau đó lại rút xuống còn 2,6 tỷ đồng. Ông Nén đi tù hơn 17 năm thì bây giờ làm sao có đủ giấy tờ để chứng minh thiệt hại ?. Dự thảo luật này nói khá nhiều đến việc xác minh thiệt hại do thực tế phát sinh, thiệt hại do tài sản, sức khỏe bị xâm phạm, thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại về tinh thần,... Thiệt hại liệt kê khá đầy đủ, nhưng cách tính như thế nào mới là vấn đề. Ông Chấn ngồi tù oan 10 năm bồi thường 7,2 tỷ đồng nhưng tại sao ông Nén ngồi tù 17 năm lại chỉ đề muốn bồi thường 2,6 tỷ đồng?”- bà Nga đặt vấn đề.
Nữ Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị phải có tính toán để đảm bảo công bằng giữa các trường hợp. “Tôi đề nghị Chánh án TADN Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao phải xem xét trường hợp này, chứ đi tù lâu thế không còn hóa đơn thì cách xác định chi phí hợp lý như thế nào để một người bị oan phía Nam cũng phải được bồi thường giống như ở một người ở vùng núi phía Bắc. Các vụ án nổi cộm lớn thế này chỉ có một số vụ thôi nên Chánh án và Viện trưởng cần xem xét chỉ đạo giải quyết, tránh kéo dài quá lâu thời gian giải quyết bồi thường”- bà Nga thẳng thắn.
Trong khi đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng, việc tính toán, xác định mức bồi thường cho ông Nén phải căn cứ quy định của pháp luật. “Mức bồi thường thương lượng lần thứ 3 (trên 10 tỷ đồng) so với lần thứ 4 (2,6 tỷ đồng) có mức chênh lệch khá lớn như vậy có thể do vận dụng pháp luật không chuẩn, không bảo đảm. Tôi cho rằng tòa án với trách nhiệm cơ quan làm oan sai phải có trách nhiệm rà soát lại thật kỹ, vận dụng tối đa để bồi thường thỏa đáng nhất, cao nhất cho ông Nén”- ông Cảnh nói.
Chánh án TAND Tối cao “kêu” khó khăn tính toán bồi thường cho ông Nén
Trong khi đó, ở tổ Quảng Ngãi, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, riêng về lĩnh vực hình sự thì dù có nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn gặp khó khăn trong giải quyết bồi thường.
“Nếu như chúng ta bồi thường theo đúng quy định của luật thì Bộ Tài chính hướng dẫn phải có đầy đủ giấy tờ, xác nhận chi tiêu chuyện nọ, chuyện kia. Nếu mà ke theo hướng dẫn của Bộ Tài chính thì được bồi thường không có bao nhiêu cả. Ví dụ như vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, nếu kẻ ra như đúng quy định của Bộ Tài chính thì dư luận sẽ đặt ra câu hỏi là sao mười mấy năm lại chỉ có bấy nhiêu?. Nếu như chúng ta vận dụng số tiền quá nhiều thì cũng có một luồng dư luận khác lên án là tại sao tiền của Nhà nước mất như thế, ví dụ như vụ ông Chấn (7,26 tỷ đồng)?”- ông Bình phân trần.
Chánh án TAND Tối cao cho biết, thực tế khi vận dụng luật có hướng dẫn bao nhiêu cũng không đủ, bởi có những khoản không thể nào mà chứng cứ hóa được, ví như thiệt hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần.
“Đây là câu chuyện nói không có định lượng và tùy theo sự vận dụng. Người thì nói như thế này nên phải vận dụng nhiều, người thì nói tạo ra sự tùy nghi trong này nên các cơ quan thi hành bị đặt vào tình thế cực kỳ khó khăn. Riêng trong lĩnh vực hình sự thôi đã khó như thế rồi mà ra lĩnh vực hành chính thì thước đo mênh mông như thế nào, hết sức khó khăn. Đó là áp lực mà chúng tôi phải giải quyết vấn đề của ông Chấn, ông Nén, ông Trần Văn Thêm (Yên Phong, Bắc Ninh) khi các căn cứ rất là khó khăn”- ông Bình chia sẻ.
Về trách nhiệm bồi thường, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh quan điểm cơ quan nào làm ra việc sai thì phải đứng ra bồi thường. “Chúng tôi đi nghiên cứu các nước thì rất ít nước bồi thường tư pháp và chúng ta là một trong số ít các quốc gia cho việc này, điều này thể hiện trách nhiệm của chúng ta. Một số nước không cho anh điều tra, viện kiểm sát, tòa án làm chuyện bồi thường mà để các cơ quan chuyên làm chuyện bồi thường... 10 năm mới có vụ ông Chấn, 17 năm mới có vụ ông Nén nên việc lập riêng một cơ quan để chuyên làm về vấn đề bồi thường oan sai cần phải cân nhắc rất kỹ”- ông Bình nêu quan điểm.
Thế Kha - Phương Thảo