1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Để bảo vệ con người, tốn kém cũng phải ghi hình khi hỏi cung

(Dân trí) - Hầu hết các đại biểu Quốc hội phát biểu trong phiên thảo luận sửa Bộ luật Tố tụng hình sự đều thống nhất nguyên tắc buộc ghi âm, ghi hình 100% các cuộc hỏi cung để chống bức cung, mớm cung, nhục hình… dẫn đến oan sai trong quá trình điều tra.

Quyền im lặng có thể cản trở hoạt động điều tra nhưng không thể không đưa vào luật

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đồng tình với quy định bị can, bị cáo, nghi phạm được tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình, hoặc buộc phải nhận mình có tội bởi cần xác định người bị lấy lời khai vẫn hoàn toàn là người tự do, có đầy đủ quyền con người, quyền công dân. Quy định về quyền tự do khai báo là để tránh ép cung, mớm cung, truy bức buộc phải nhận tội.

Ngoài ra, theo ông Học, quy định này cũng để khắc phục tâm lý chủ quan, quy chụp của điều tra viên.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) nêu rõ quan điểm ủng hộ việc cụ thể hóa “quyền im lặng”. Quyền im lặng là được quyền không khai báo cho đến khi có mặt của người bào chữa, trừ trường hợp tự nguyện khai báo. Theo đó, đại biểu cho rằng, cần bổ sung vào dự thảo quy định rõ ràng hơn là "người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa".

Đại biểu Lương Văn Thành (Hải Phòng) lại phân tích, cách hiểu quyền im lặng là quyền không nói gì để chờ luật sư đến bào chữa là chưa đầy đủ và không phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam vì số lượng luật sư không đủ để có mặt khi có nghi can bị tạm giữ như hiện nay.

Còn hiểu quyền im lặng theo hướng người bị bắt giữ không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình cũng là cách tiếp cận từ yếu tố bên ngoài, là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng không được ép buộc bị can đưa ra chứng cứ. Theo ông Thành, thực chất, quyền im lặng là quyền tự thân bên trong của nghi can, nghi can không có nghĩa vụ phải đưa ra những lời khai hoặc chứng cứ bất lợi cho mình, chống lại chính mình mà trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.

Vì vậy, cách quy định, theo đại biểu, phải hướng vào thực chất là bảo vệ nghi can và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tố tụng nhằm khắc phục oan sai cũng như bỏ lọt tội phạm.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu quan điểm,
Đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu quan điểm, "quyền im lặng" đã được cả thế giới ghi nhận. (Ảnh: Ngọc Châu)

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lập luận, ”quyền im lặng” đã được cả thế giới ghi nhận bởi lẽ, khi nghi can rơi vào vòng tố tụng, họ phải đối mặt với bộ máy điều tra có đầy đủ phương tiện, thiết bị hiện đại, có kiên thức chuyên sâu về pháp lý hình sự và kỹ năng thẩm vấn. Người đó thậm chí, phải đối mặt với nguy cơ sẽ bị sử dụng bạo lực bức cung, nhục hình, nghĩa là luôn ở thế yếu trong tố tụng hình sự, ít hiểu biết về pháp luật, nhất là khi đã bị tạm giam, tạm giữ cách ly khỏi xã hội.

Từ thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự và kết quả giám sát oan sai vừa được Quốc hội thảo luận cho thấy, quá trình giải quyết vụ án hình sự tồn tại không ít trường hợp vi phạm quyền con người, bức cung, nhục hình để có bằng được lời khai của bị can, trọng lời khai hơn trọng các chứng cứ.

“Đã bức cung, nhục hình tất yếu dẫn đến oan sai. Do vậy, việc quy định rõ về quyền im lặng buộc các cán bộ tố tụng phải thay đổi tư duy trong cách giải quyết vụ án. Cơ quan điều tra phải nâng cao nghiệp vụ của mình bằng cách tăng cường kỹ thuật, khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai từ nhân chứng, tìm kiếm thông tin từ chứng cứ, từ các nguồn khác chứ không phải chỉ chăm chăm lấy cho bằng được lời khai của nghi can. Điều này sẽ làm cho hoạt động của các cơ quan tố tụng tích cực hơn, khách quan hơn và toàn diện hơn” – ông Vinh phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhìn thẳng thực tế, “quyền im lặng” có thể gây ra những cản trở nhất định cho cơ quan điều tra khi vụ án có nhiều đồng phạm, việc im lặng của nghi phạm có thể sẽ cản trở quá trình điều tra nhưng không vì thế mà không đưa quyền im lặng vào luật.

Để bảo vệ con người, tốn kém cũng phải ghi hình khi hỏi cung
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: "Quyền im lặng" có thể gây cản trở nhưng không thể vì thế mà không đưa vào luật. (Ảnh: Ngọc Châu)

Ông Phương dẫn luật Mỹ, người bị bắt được quyền thông báo về việc có quyền im lặng, nếu như quyền im lặng không được thông báo, những lời khai sau này coi như không có giá trị. Đại biểu lập luận, các nước có thể khác nhau về chế độ chính trị, về kinh tế nhưng pháp luật tố tụng hình sự đều có mục đích giống nhau là xử phạt đúng người, đúng tội, không để oan sai, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, danh dự, nhân phẩm, thậm chí cả quyền sống, bảo vệ quyền chủ yếu của người yếu thế trong xã hội.

“Nếu có quyền im lặng chắc chắn việc oan sai do mớm cung, bức cung, nhục hình sẽ giảm đáng kể” – ông Phương quả quyết.

Dự thảo quy định về “quyền im lặng” của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can... theo hướng không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc phải nhận mình có tội đang tạo tranh luận. Theo bạn:
Quy định như vậy là một bước tiến, giảm việc oan sai
Quy định trên là vô lý, gây khó khăn cho các cơ quan hoạt động tố tụng
Ý kiến khác
  

Vì sinh mệnh con người, tốn kém cũng phải làm

Về ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can, đại biểu Nguyễn Thái Học nhận định, đây là một quy định tiến bộ, hướng tới việc công khai, minh bạch và có sự giám sát nên sẽ khắc phục được việc bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra. Vấn đề băn khoăn ở đây là nguồn kinh phí để có thể trang bị các thiết bị ghi âm, ghi hình cho tất cả các cuộc hỏi cung.

Gạt đi băn khoăn này, ông Học cho rằng, nếu khắc phục được vấn đề bức cung, nhục hình, bảo vệ được quyền con người thì có tốn kinh phí cũng phải xem xét. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật có sự khảo sát để giải trình Quốc hội nguồn kinh phí cần thiết để trang bị cho việc ghi âm, ghi hình, để quyết định.

Đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) cũng nhất trí với chủ trương ghi âm, ghi hình tất cả các trường hợp hỏi cung. Ông Trường cho rằng ý kiến đề xuất chỉ những trường hợp cần thiết không hợp lý vì về mặt trang thiết bị và đầu tư cơ sở vật chất là như nhau, bởi vì ghi nhiều hay ghi ít thì cũng đều phải có máy móc như nhau.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu quan điểm,
Đại biểu Vũ Xuân Trường cho rằng ghi hình khi hỏi cung vừa để bảo vệ bị can, bị cáo, vừa bảo vệ cơ quan điều tra. (Ảnh: Ngọc Châu)

Việc ghi âm, ghi hình, theo ông Trường cũng là công cụ bảo vệ chính cơ quan điều tra trong những trường hợp bị bị can, bị cáo phản cung, bị “tố” là đánh người, ép cung, mớm cung vì xem lại băng ghi âm, ghi hình là “minh oan” được ngay.

“Không ai thích gì khi làm một việc luôn luôn có một cái máy theo dõi, quản lý chặt chẽ, nhưng theo tôi trong thực tế để tránh được những sai sót thì nên áp dụng biện pháp này. Tuy có tốn kém cũng phải đầu tư và tôi nghĩ có thể làm được để đảm bảo chế định này” – ông Trường phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) khái quát, tình trạng bức cung nhục hình dẫn đến oan sai, những vụ mớm cung, dùng nhục hình thời gian qua không chỉ có ở những vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà ngay cả những vụ án nghiêm trọng, ít nghiêm trọng. Tuy tỉ lệ các vụ oan sai do bức cung, nhục hình chiếm tỉ lệ nhỏ, nhưng qua giám sát vừa qua cũng đã khẳng định sự cần thiết phải ghi âm, ghi hình trong các hoạt động lấy lời khai. Nữ đại biểu cũng lắc đầu với cách thể hiện của dự thảo luật hiện tại là thực hiện ghi âm, ghi hình “khi xét thấy cần thiết”.

Đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) cũng cho rằng, chỉ ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung đối với các tội và hình phạt tù chung thân và tử hình là không phù hợp vì trên thực tế việc bức cung, nhục hình để xảy ra oan sai, không chỉ xảy ra đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà còn xảy ra đối với mọi loại tội phạm.

Về tính khả thi của quy định, ông Trường nhẩm tính, trên thị trường hiện nay, giá một chiếc máy ghi âm chỉ trên dưới 1 triệu đồng, ngay trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, nhiều bộ, ngành đã áp dụng việc ghi hình, chưa nói đến lĩnh vực tư pháp là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người là quyền tự do, quyền sống.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh cũng khẳng định, ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là cách mà các nền tư pháp tiến bộ đang áp dụng. “Cũng có ý kiến lo ngại nếu áp dụng sẽ tốn kém, hoặc phức tạp nhưng tôi cho rằng, một nền tư pháp vì con người thì không tránh khỏi tốn kém và tốn kém cũng phải làm, vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của con người” – ông Vinh nói.

Hơn nữa, thực tế, ghi âm, ghi hình thao tác rất đơn giản và không tốn kém trong điều kiện công nghệ điện tử phát triển như hiện nay. Do đó, đại biểu kêu gọi quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình 100% các cuộc hỏi cung để tránh việc áp dụng tùy tiện quy định.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm