1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đê bao lại vỡ, đường giao thông sạt lở thêm

(Dân trí) - Thông tin từ ngành chức năng huyện Thanh Bình, Đồng Tháp cho biết trên địa bàn huyện vừa xảy ra một vụ vỡ đê bao nhấn chìm cả trăm ha lúa vụ 3.

Vụ vỡ đê xảy ra tại xã Phú Lợi vào rạng sáng 5/10. Chính quyền địa phương xã cho biết, tuyến đê bị vỡ khoảng 20m, nước chảy rất mạnh đã nhấn chìm gần 140ha lúa thu đông khoảng 60 ngày tuổi của bà con nơi đây.

Ngay sau khi đê vỡ, ngành chức năng huyện Thanh Bình đã chỉ đạo lực lượng xuống hiện trường khắc phục nhằm bảo vệ lúa. Tuy nhiên, do dòng nước lũ chảy quá mạnh khiến 2 chiếc xáng làm nhiệm vụ gia cố đê bị cuốn trôi.

Theo lãnh đạo xã Phú Lợi, vào thời điểm này nhiều tuyến đê bao trên địa bàn xã thường xuyên bị rò rỉ nước do mức nước chênh lệnh giữa bờ kênh và ruộng rất thấp. Ngoài ra, do sóng to liên tục đập vào thân đê nên nguy cơ các đê bị vỡ vẫn còn rất cao.

Cũng tại huyện Thanh Bình, trước đó, vào sáng ngày 4/10 đã xảy ra một vụ sạt lở bờ sông dài 40m, rộng 5m tại xã Tân Bình. Buổi chiểu cùng ngày lại tiếp tục xảy ra sạt lở dài 3.000m tại xã Bình Thành làm mất trên 50.000m2 đất.

Cũng trong ngày 4/10, xảy ra sạt lở đất dài 30m gây ảnh hưởng đến 1 ha màu của người dân ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự.

Theo ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 5/10 có trên hàng ngàn km đường giao thông bị sạt lở, nhiều cầu cống bị hư hỏng, trên 10.300 căn nhà bị ngập, trên 2.000 ha lúa mất trắng, hàng trăm ha màu, cây ăn trái bị thiệt hại...

Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cũng vừa có công văn gửi các cơ sở y tế trên toàn tỉnh đề nghị các đơn vị trực thuộc phải thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất để đảm bảo an toàn cho các y bác sĩ và bệnh nhân. Sở cũng yêu cầu các cơ sở phải cử người túc trực 24/24h để kịp thời tiếp nhận cấp cứu những nạn nhân bị ảnh hưởng do lũ; yêu cầu các bệnh viện huyện, thị, thành phải sẵn sàng dự trữ cơ số thuốc để kịp thời sử dụng trong việc điều trị bệnh; các Trung tâm Y tế dự phòng phải thường xuyên kiểm tra giám sát dịch bệnh nhằm hạn chế dịch bệnh bùng phát.

Còn theo ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp, ngành đã phối hợp với các cơ quan khác thực hiện tổ chức dạy các lớp bơi cho trẻ em. Ngoài ra, Sở còn phối hợp các địa phương tổ chức nhiều điểm giữ trẻ ở các địa bàn để giữ an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, mấy ngày qua do nước lũ dâng cao nên nhiều điểm giữ trẻ bị ngập, buộc phải nghỉ đưa trẻ về với gia đình. Ngành Giáo dục cũng khuyến cáo khi đưa trẻ về gia đình, các bậc phụ huynh phải giám sát trẻ, không cho trẻ ra những chỗ bị ngập nước sẽ nguy hiểm đến tính mạng. 
 
UBMTTQVN tỉnh An Giang vận động hỗ trợ đồng bào vùng lũ
 
Lũ năm nay đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2000, làm 4 người chết và thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Trước tình trên, UBMTTQVN tại tỉnh An Giang đã phát đi thông điệp kêu gọi các nhà hảo tâm chia sẻ khó khăn với bà con vùng rốn lũ.
Theo Uỷ ban phòng chống lụt bão  huyện An Phú cho biết trên địa bàn huyện hiện có trên 1.700 hộ thuộc diện nghèo, ngưỡng nghèo và khó khăn có nhà cửa bị ngập lũ, thiếu các phương tiện mưu sinh (xuồng, câu lưới…).

Ở các xã như Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, Nhơn Hội, Phú Hữu… nhiều tuyến đường nông thôn bị ngập nước lũ nên gần 3.600 học sinh đến trường bằng các phương tiện đường thủy nhưng huyện chỉ mới vận động được khoảng 1.500 áo phao cho học sinh.

Đê bao lại vỡ, đường giao thông sạt lở thêm - 1
Nhiều em học sinh trên những chiếc xuồng như thế này, nhưng chẳng có em nào có áo phao

Tại Tân Châu, chính quyền thị xã cho biết, có 114 hộ bị ảnh hưởng sạt lở phải di dời và 4.463 căn nhà bị ngập (trong đó, 85 căn bị xiêu vẹo, 175 hộ cần phải di dời).Toàn thị xã có 612 học sinh đến trường do phụ huynh đưa đón bằng xuồng nên ẩn họa có thể xảy ra.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang cho biết, toàn tỉnh có 56 điểm trường với 5.330 học sinh bị ảnh hưởng lũ. Các tuyến đường đến trường bị ngập (từ 0,3 đến 1,3 mét) khiến học sinh và giáo viên phải sử dụng các phương tiện thủy. Trong đó, 15 điểm trường (43 lớp) với 358 học sinh phải tạm nghỉ, do đường đến trường, sân trường và phòng học bị ngập nước, không thể duy trì hoạt động.

Ngoài ra Sở Giáo dục - Đào tạo An Giang còn  cho biết, Ngành Giáo dục đã vận động các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp được 1.326 dụng cụ cứu sinh cấp cho học sinh vùng lũ và tận dụng áo phao cũ của năm trước. Tuy nhiên sô đó vẫn chưa thấm vào đâu khi số học sinh cần dụng cụ cứu sinh còn nhiều.

Đê bao lại vỡ, đường giao thông sạt lở thêm - 2
Nhiều gia đình nghèo, cần một ít vốn để sắm chiếc xuồng, tai lưới để mưu sinh trong mùa lũ

Cũng theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã xuất 1,2 tỷ đồng từ nguồn đảm bảo xã hội hàng năm để hỗ trợ cho hộ có nhà bị sập, hư hỏng, người thân chết do lũ lụt… Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thiệt hại của các địa phương báo cáo, dự kiến kinh phí khoảng 8 tỷ đồng để hỗ trợ cho khoảng 15.000 người đang bị ảnh hưởng lũ.

Theo thống kê của UBMTTQVN tỉnh An Giang cho biết, tính đến ngày 3/10/2011, toàn tỉnh đã có 04 người chết, 4.083 héc-ta lúa và hoa màu vụ thu đông bị mất trắng, 66.000 ha lúa đang bị đe dọa, 14.885m2 diện tích bờ sông bị sạt lở; 07 cụm tuyến dân cư bị sạt lở nghiêm trọng. 17.670 căn nhà bị ngập và xiêu vẹo, 765 căn nhà bị ảnh hưởng cần phải di dời… ước tính thiệt hại ban đầu hàng trăm tỷ đồng và mức thiệt hại này còn đang tiếp tục gia tăng.

Để hỗ trợ kịp thời cho đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang mong các tổ chức, Mạnh Thường Quân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh với tấm lòng “nhường cơm xẻ áo” cùng chia sẻ với đồng bào đang gặp khó khăn trong cuộc sống do lũ gây ra. 
 
Mọi sự đóng góp gửi về Ban Vận động quỹ “Vì người nghèo” tỉnh An Giang.
 
Địa chỉ tiếp nhận trực tiếp: Số 21, đường Nguyễn Thái Học, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang (Văn phòng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang).
 
Số tài khoản: 946.05.00.20287; mã số ĐVSDNS: 3007139, tại Kho bạc Nhà nước tỉnh An Giang.

Huỳnh Hải – Ngô Nguyễn