1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Dậy sớm hơn, thức khuya hơn... vì Tết

(Dân trí) - Soạn đồ đạc, kết thúc một ngày làm việc khi đồng hồ đã chỉ sang ngày mới, chị Hằng cười: “Bây giờ nghỉ nhưng phải 1 giờ sáng mới về đến nhà. Cũng vì sắp Tết nên mới phải cố “rốn” thêm”.

Chỉ hai ngày nữa là Tết đã gõ cửa, nhưng rất đông lao động tự do trên khắp Hà Nội vẫn đang mải miết với công việc mưu sinh của mình. Tết cận kề, gánh lo cơm áo gạo tiền lại đè nặng hơn, họ phải dậy sớm hơn, thức khuya hơn…
 
Dậy sớm hơn, thức khuya hơn... vì Tết - 1
Gần 12 giờ, anh Mạnh vẫn lầm lũi vá xe. Bên cạnh còn “chưng” kèm tấm biến hạt dẻ nóng.
 
Đã 10 ngày nay, vợ chồng anh Mạnh - chị Hằng ở xã Thọ An, huyện Đan Phượng ngồi bán hạt dẻ nóng ngay đoạn đầu đường Láng, hướng từ Cầu Giấy xuống. Chị Hằng ngồi rang hạt dẻ bên kia, bên này anh Mạnh vừa vá xe vừa kiêm thêm "giới thiệu mặt hàng". Khi có người hỏi mua, anh lại chạy về phía vợ xách hạt dẻ sang bán.
 
Đưa tay đảo hạt dẻ, chị Hằng cho biết, mỗi đêm chị bán được 4 - 5kg hạt dẻ, bắt đầu từ 5 giờ chiều, tầm 11 giờ đêm, hết hay không thì anh chị cũng sửa soạn để về vì nhà cách gần 35 cây số, đi cũng mất hơn một tiếng. Dịp này, chị tăng thêm 2kg hạt dẻ, cố rốn để kiếm thêm tiền chi Tết. “Nhiều hôm ế, vợ chồng ngồi đến gần 1 giờ sáng. Nhưng cũng có hôm đắt hàng lắm, có người đến hỏi mà hết hàng cứ tiếc hùi hụi”.
 
Vợ chồng anh Mạnh, chị Hằng có hai đứa con, đứa lớn mới chỉ 5 tuổi, và bố mẹ già. Làm ruộng không đủ ăn, anh chị phải “tăng bo” thêm nghề bán hạt dẻ. Chẳng những thế, đến 4 giờ sáng chị Hằng đã phải đi chở hoa quả để bán thêm. Chiều về đến nhà lại chuẩn bị hạt dẻ… Tính ra một ngày chị Hằng chỉ chợp mắt hai, ba tiếng đồng hồ. Ngay đến các con chị cũng chẳng được bế ẵm, vì khi chị đi chúng chưa thức dậy, khi chị trở về thì chúng đã say giấc.
 
Dậy sớm hơn, thức khuya hơn... vì Tết - 2
Gần tết, anh chị Mạnh - Hằng kéo dài ngày làm việc sang tận ngày mới.
 
Đã hơn 12 giờ đêm chị Hằng mới kết thúc một ngày làm việc. Soạn sửa đồ đạc để về, chị nói: “Dù nghèo nhưng ngày Tết cũng phải có ít đồng chi tiêu. Con cái, ông bà cũng phải có chiếc áo mặc Tết chứ. Năm nay vợ chồng đang tính làm bộ ảnh cho ông bà, chẳng biết có đủ tiền không”. “Nhưng nhà mình có việc làm thêm là còn may, nhiều nhà trong xóm đang phải đón Tết “đói” - Trước khi lên đường trở về nhà trong đêm, chị Hằng nói thêm như một lời tự động viên.
 
Cùng cảnh, nửa tháng nay, anh Hiệu, quê ở Hải Hậu, Nam Định chạy xe ôm tại đường đôi Linh Đàm, đoạn rẽ vào đường Kim Giang, cũng ra sức “tăng ca”.  Hồi trước anh ra bến lúc khảng 8 giờ và và đến 9 giờ tối thì nghỉ. Giờ thì 5 giờ sáng anh đã có mặt và đứng cho đến lúc nào đường vắng người mới trở về phòng trọ.
 
Dậy sớm hơn, thức khuya hơn... vì Tết - 3
Gần Tết, cánh xe ôm cũng dậy sớm hơn và thức khuya hơn.
 
“Sắp Tết rồi mà khách vắng lắm nên phải đứng thêm. Khá giả thì người ta gọi taxi, còn bình dân thì người ta đi xe buýt, cùng lắm họ mới đi xe ôm. Như cả ngày hôm qua, không có lấy một người khách. Tôi cũng định về quê cho xong nhưng bây giờ về biết làm gì. Tết đến rồi, cố mà kiếm thêm ít đồng, không cả nhà lấy đâu ra tiền sắm Tết”, anh nói vẻ lo lắng.

Hàng này, cứ tầm 12 giờ đêm là chị Hòa, quê ở Thanh Sơn (Phú Thọ) bán bánh mỳ, bánh giò ở khu vực Tô Hoàng, Bạch Mai đã về nghỉ. Nhưng dịp gần Tết chị quyết định bán thông đêm. Vì bây giờ nhiều người đã về nghỉ Tết, nhất là cánh sinh viên nên khách mua bánh vắng hẳn, chị phải rao hết đêm thì mới bán hết số lượng bánh như ngày thường. “Mỗi chiếc bánh chỉ lãi vài trăm đồng, hôm nào ế thì xem như công cốc. Nhưng dù sao vẫn phải cố, đến sáng 30 tôi mới về quê”.

Chị Hòa cho hay, buổi trưa chị còn ra chợ Hôm gánh nước thuê. Chị đang phải tích cóp, không những để tiêu Tết mà còn để ra năm có tiền gửi cho cô con gái đang học trong Đà Nẵng. Chị không kìm được nước mắt: “Năm nay, không có tiền tàu xe, cháu nó có về quê đâu”.

Quay chiếc xe đạp chở thùng bánh, chị thở dài: “Người ta Tết đến là thảnh thơi, còn mình nhiều lúc chỉ mong không có Tết”. “Ai bánh mỳ, bánh giò nóng đê” - tiếng rao da diết của chị tiếp tục vọng trong một con ngõ nhỏ trên đường Bạnh Mai…

Hoài Nam