“Dây chuyền” luân chuyển trẻ
(Dân trí) - 11 cháu bé còn “đọng” lại Trung tâm trợ giúp nhân đạo trẻ em huyện Ý Yên, hầu hết được “làm giả nguồn gốc”. Trước đó, hàng trăm trẻ đã đến rồi đi (xuất ngoại) nhưng chưa bao giờ 2 gian nhà ngói, 4 chiếc giường quá tải bởi việc luân chuyển quá chóng vánh.
11 đứa trẻ chưa bé nào tròn năm tuổi còn lại tại Trung tâm trợ giúp nhân đạo trẻ em huyện Ý Yên hoàn toàn chưa ý thức về những thiệt thòi của mình, ngay từ cái tên được đặt. Trai “văn” gái “thị” - những cái tên đơn giản được cán bộ trạm y tế xã xác lập trong biên bản xác định trẻ bị bỏ rơi.
Quá nửa trong số các bé cũng sẽ chỉ còn ở Trung tâm ngày một ngày hai nếu những sai phạm tại đây không được phát giác. Hồ sơ xin nhận con nuôi đã được lập. Những ông bố, bà mẹ Pháp, Ý cũng đã được xác định “kết cặp” cho từng bé.
Trung tâm có 5 gian nhà cấp 4, mái ngói, tường vôi nhưng cũng chỉ dùng 2 gian, 4 chiếc giường làm nơi sinh hoạt cho các bé, một gian làm bếp, một gian làm phòng bảo vệ và một gian làm phòng lưu trữ. Giữa cái nắng hè nóng ran, mất điện, cũng chẳng đòi hỏi nhiều, bé vẫn ngon giấc, bé tập lẫy, tự cười, tự chơi một mình, chẳng một tiếng khóc hờn.
| |
Bé lâu nhất cũng không “qua tay” bảo mẫu quá 3 tháng. |
4 bảo mẫu, mỗi người chăm chừng 3 bé. Các bà, các chị đều nhận việc tại đây từ những ngày đầu thành lập Trung tâm (tháng 3/2006). Hàng trăm trẻ đã qua đây, 101 cháu cũng đã được nhận nuôi, “xuất ngoại” trời Tây. 2 gian nhà, 4 chiếc giường đủ dùng cho ngần ấy bé 2 năm qua.
Bà Vũ Thị Tiền, bảo mẫu lớn tuổi nhất, không còn nhớ đã đón bao cháu, chăm cho bao bé sơ sinh rồi lại chuẩn bị gói ghém dăm ba thứ đơn giản cho chuyến đi thật xa, thật dài của các bé. “Đứa lâu nhất cũng chỉ qua tay tôi chăm chừng 3 tháng, không kể tốp 11 cháu cuối cùng này”.
Ngày hôm qua 14/7, khi có tin đồn bà Trần Thị Lương, Giám đốc Trung tâm trợ giúp nhân đạo trẻ em huyện Ý Yên bị khởi tố, tất cả các đường liên lạc với bà giám đốc đều không kết nối. Chiều 14/7, nhiều người mặc thường phục đã tới Trung tâm, vòng cả trước, sau khu nhà tìm kiếm bà Lương.
Tuy không thể liên lạc được với cấp dưới, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên, Phạm Mạnh Tiếp, phủ nhận thông tin bà Trần Thị Lương bị khởi tố vì đến cuối giờ chiều qua, cơ quan chủ quản vẫn chưa nhận được thông tin của cơ quan điều tra. |
Bảo mẫu Tạ Thị Hằng thì cho biết, lúc đông nhất, số trẻ “tồn” ở Trung tâm khoảng hơn 10 cháu, ít thì chỉ 2, 3. Những lúc ấy, các chị lại chia nhau tạm nghỉ việc, về nhà cày cấy, khi số trẻ đông hơn mới tập trung. Không ít bé được đưa tới Trung tâm chưa ấm chỗ, chưa quen hơi “cô nuôi” và cũng chưa cứng người đã được “luân chuyển”.
Cũng có 4 - 5 trường hợp các cô gái trẻ, bụng bầu vượt mặt vào ở Trung tâm chờ sinh, xong là bỏ con, ra đi vội vã. “Không biết các cô chửa đẻ, giấu giếm thế nào mà hầu hết trẻ khi đưa đến đây đều bất thường: quá non, thiếu cân (nhiều bé chỉ 1,8 - 2kg), yếu ớt. Chăm 1 - 2 tháng, cháu bé mới “định hồn”, “lại người” và chuẩn bị được chuyển đi” - chị Hằng cười buồn buồn.
Nói chung, vì bố trí “đến - đi” nhịp nhàng, 2 gian phòng, 4 chiếc giường nuôi trẻ chưa bao giờ tới mức... quá tải.
Hộ sinh phủ nhận tường trình
Bảo mẫu Tạ Thị Hằng bế ra bé trai Phạm Văn Lợi (hồ sơ sinh ngày 21/2/2008). Thằng bé bụ bẫm, rất xinh, nhoẻn miệng cười. Cái đầu đôi chỗ móp méo vì nằm nhiều. Chị Hằng chỉ chỗ thóp mụ hơi lồi ra, nhô lên cho biết, khi mới được đưa đến đây, chỗ ấy mềm nhũn, hõm vào, thấy rõ phập phồng như trẻ sinh non, thiếu tháng. Bé Lợi cũng đang được làm thủ tục cho một người Ý nhận nuôi.
Hồ sơ của bé, đến từ trạm y tế xã Yên Lương, trạm trưởng Trương Công Lịch làm đề nghị Trung tâm tiếp nhận. Bé Lợi được xác định là trường hợp trẻ bị bỏ rơi sau khi sinh tại trạm y tế xã đêm 21/2, do nữ hộ sinh Cù Thị Ngọc đỡ và lập tường trình.
Địa chỉ của cháu bé rất rõ ràng: mẹ Nguyễn Thị Liên, 22 tuổi, ở xóm Đông Vinh, Yên Lương, Ý Yên, Nam Định. Dĩ nhiên, không thể tìm được cô gái lỡ làng, bỏ con nào như thế ở cả xã Yên Lương.
Nữ hộ sinh Cù Thị Ngọc phủ nhận hoàn toàn những văn bản, nội dung ký tên cô, từ bản tường trình viết tay về việc cháu bé mới đỡ bị mẹ bỏ lại tới biên bản xác định trẻ bị bỏ rơi, biên bản giao nhận trẻ của trạm với Trung tâm trợ giúp nhân đạo trẻ em của huyện.
Chị Ngọc cho biết đã “té ngửa” khi công an xuống làm việc, hỏi và đưa chị xem 5 bộ hồ sơ với những tường trình, biên bản tương tự về các trường hợp sinh con, vứt bỏ tại trạm y tế xã tương tự, bé Lợi là trường hợp thứ 6.
| |
Trạm y tế xã Yên Lương. |
“Đấy hoàn toàn không phải chữ viết, chữ ký của tôi. Không biết anh Lịch (trạm trưởng - PV) đã bị bắt, làm thế nào, nhờ ai viết mạo chuyện. Mấy năm qua cũng chỉ có duy nhất 1 trường hợp sản phụ nơi khác đến trạm y tế xã sinh con và được đưa đến Trung tâm là “người nhà” anh Lịch” - chị Ngọc khẳng định.
Trong số 13 trường hợp trẻ bỏ rơi được trạm trưởng Trương Công Lịch lập hồ sơ chuyển lên Trung tâm trợ giúp nhân đạo trẻ em 2 năm qua, hộ sinh Cù Thị Ngọc được “gắn tên” đỡ 6 cháu, hộ sinh Phạm Thị Tuyết đứng tên 7 cháu. Cả hai đều phủ nhận, “tố” mọi việc đều do trạm trưởng “đạo diễn”.
Được biết hiện đã xác định được 10 xã trong huyện Ý Yên có các trường hợp gian lận nguồn gốc trẻ để chuyển tới Trung tâm.
Trao đổi với Dân trí về vụ việc này, ông Phạm Đức Chính, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH (Nam Định) cho biết, trước đây chúng tôi cũng đã tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ của các cháu tại Trung tâm Trợ giúp nhân đạo và dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn huyện Ý Yên. Qua đó thấy Trung tâm còn nuôi dưỡng 11 trẻ và đã có 100 trẻ được cho các tổ chức con nuôi người nước ngoài. Đồng thời để đảm bảo sự an toàn cho 11 trẻ còn lại, Sở LĐTB&XH cũng đã đề xuất 2 phương án lên UBND tỉnh. Ông Chính cho biết, ông không trực tiếp cùng đoàn của Sở xuống kiểm tra thẩm định tại Trung tâm và chỉ nghe báo cáo lại. Có lẽ vì điều này mà khi PV đề nghị ông Chính cho xem biên bản kiểm tra thẩm định tại Trung tâm mà Sở đã tiến hành thì ông Chính lại không đưa ra được. Ông Chính cho biết thêm, trong số 11 trẻ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm, trong số đó đã có một số trẻ đã nằm trong danh sách chuẩn bị được đưa ra làm con nuôi người nước ngoài. Theo ông Chính để xảy ra vụ việc này thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chính quyền cơ sở. |
Phương Thảo - Tuấn Hợp