1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đầu tư hơn 113 triệu USD hồi sinh dòng sông "chết" Trường Giang

Công Bính

(Dân trí) - Sông Trường Giang dài khoảng 60km từ huyện Duy Xuyên qua huyện Thăng Bình, thành phố Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Trung ương đã có chủ trương để tỉnh Quảng Nam hồi sinh dòng sông này.

Ngày 5/10, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành cùng thành phố Tam Kỳ để thảo luận về tình hình thực hiện Dự án Phát triển Tích hợp Thích ứng tỉnh Quảng Nam.

Theo báo cáo từ Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, dự án này bao gồm các công trình chính như: nạo vét sông Trường Giang, công trình thoát lũ thành phố Tam Kỳ và xây dựng 6 cây cầu qua sông Trường Giang.

Đầu tư hơn 113 triệu USD hồi sinh dòng sông chết Trường Giang - 1
Ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Bình An).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng (hơn 113 triệu USD), trong đó vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế Giới (WB) chiếm hơn 1.800 tỷ đồng và vốn đối ứng khoảng 884 tỷ đồng. Dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2022-2027.

Công trình nạo vét luồng đường thủy nội địa sông Trường Giang kéo dài từ ngã ba An Lạc (Cửa Đại, thành phố Hội An) đến Cửa Lở (vịnh An Hòa, huyện Núi Thành) với tổng chiều dài 60km. Quy mô đầu tư bao gồm cải tạo nạo vét tuyến luồng sông Trường Giang đạt chuẩn cấp IV, đảm bảo khai thác hiệu quả cho tàu có trọng tải đến 100 tấn lưu thông 2 làn.

Đầu tư hơn 113 triệu USD hồi sinh dòng sông chết Trường Giang - 2

Sông Trường Giang đoạn chảy qua huyện Núi Thành (Ảnh: Bình An).

Dự án ảnh hưởng đến hơn 1.000 hộ gia đình do thu hồi đất, trong đó 796 hộ bị ảnh hưởng trên 20% tổng diện tích đất canh tác và ảnh hưởng vĩnh viễn khoảng 159 căn nhà chính, dẫn đến phải di dời 272 hộ dân.

Sông Trường Giang có nguồn gốc từ Lạch Triều, chảy song song với bờ biển nối Cửa Đại và Cửa Lở, không phân thượng hạ lưu. Sông chịu ảnh hưởng chính từ thủy triều tại Cửa Đại và Cửa Lở.

Vùng 1 chịu ảnh hưởng của thủy triều từ Cửa Đại, vùng 3 chịu ảnh hưởng của thủy triều cửa Lở. Vùng 2 là vùng giao thoa thủy triều tại 2 cửa nên vùng này lưu tốc rất nhỏ, tác động yếu tố dân sinh khiến đoạn này ngày càng bị bồi lấp.

Đoạn Km16-30 do lòng sông bị bồi cạn và thu hẹp nên đoạn này gần như không có dòng chảy. Hoạt động nuôi trồng thủy sản khiến khu vực này bị ô nhiễm do không có sự lưu thông dòng chảy.

Giao thông thủy trên tuyến hầu như tắc nghẽn, hiện nay chỉ khai thác được các đoạn ngắn ở 2 đầu nối 2 cửa sông, và cũng chỉ đáp ứng tàu tải trọng thấp.

Ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ bồi thường thỏa đáng cho người dân bị ảnh hưởng.

Đầu tư hơn 113 triệu USD hồi sinh dòng sông chết Trường Giang - 3
Toàn dự án có 6 cây cầu bắt qua sông (Ảnh: Bình An).

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương tập trung công tác đền bù, giải phóng mặt bằng quyết liệt để dự án sớm khởi công.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh việc lập phương án xây dựng khu tái định cư với cơ sở hạ tầng đầy đủ cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Ông Dũng khẳng định, nếu thực hiện tốt, dự án sẽ góp phần phát triển vùng đông của tỉnh Quảng Nam, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực quản lý phát triển thích ứng với rủi ro thiên tai.

Dự án đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 3/2022. Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án.

Tháng 8/2023, đoàn công tác Ngân hàng Thế giới làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, thống nhất các bước tiếp theo và mốc thời gian cụ thể để chuẩn bị đàm phán dự án.

UBND tỉnh Quảng Nam quyết định đầu tư tháng 3/2024.

Dự kiến dự án khởi công công trình đầu tiên vào tháng 9/2025.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm