1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Đầu tư 100 tỷ đồng làm kè biển sau bão số 10

(Dân trí) - Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương tính toán chính xác, báo cáo hợp lý thiệt hại thủy sản và các thiệt hại khác do bão số 10 gây ra để làm cơ sở xem xét hỗ trợ theo quy định. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã đồng ý cho huyện Hoằng Hóa thực hiện dự án kè chống sạt lở bờ biển Hải Tiến với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

Ngày 21/9, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có kết luận tại buổi kiểm tra, làm việc về công tác khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra tại một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Hiện trạng sạt lở bờ biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa
Hiện trạng sạt lở bờ biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa

Theo đó, ông Nguyễn Đình Xứng đã kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do bão số 10 năm 2017 gây ra tại huyện Quảng Xương, thành phố Sầm Sơn và huyện Hoằng Hóa.

Sau khi kiểm tra thực tế, ông Xứng kết luận: Cơn bão số 10 không đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Thanh Hóa nhưng đã gây ra thiệt hại rất lớn trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở du lịch ven biển. UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ với các doanh nghiệp làm du lịch bị thiệt hại lớn trong cơn bão số 10 vừa qua...

Để sớm khắc phục hậu quả do bão gây ra, nhất là các giải pháp cho hạ tầng du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND thành phố Sầm Sơn khẩn trương chỉ đạo các địa phương, các cơ quan, đơn vị có chức năng tổ chức dọn dẹp, vệ sinh bãi biển, đảm bảo tất cả các hoạt động du lịch trở lại bình thường.

Đầu tư 100 tỷ đồng làm kè biển sau bão số 10 - 2
Bờ kè ven biển bị sóng đánh tả tơi
Bờ kè ven biển bị sóng đánh tả tơi

Phía thành phố Sầm Sơn cũng đã có đề nghị về việc ảnh hưởng của khai thác cát trên sông Mã gây sạt lở bờ biển Sầm Sơn, có chiều hướng gia tăng. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu đề nghị của thành phố Sầm Sơn và tình hình hút cát lâu nay; tham mưu cho UBND tỉnh văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 30/9/2017 theo hướng đề nghị Bộ xem xét dừng việc nạo hút cát ở cửa sông Mã không cần thiết; giao địa phương chủ động tổ chức nạo vét luồng đảm bảo giao thông thủy.

Về thiệt hại đối với các diện tích nuôi trồng thủy sản và các thiệt hại khác, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng dẫn cho UBND các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa và các huyện, thị xã, thành phố tính toán chính xác, báo cáo hợp lý để làm cơ sở xem xét hỗ trợ các hộ dân theo quy định của pháp luật.


Bờ biển tan tác sau bão

Bờ biển tan tác sau bão

Riêng UBND huyện Hoằng Hóa cũng đã có đề nghị triển khai dự án kè chống sạt lở bờ biển Hải Tiến. Ông Nguyễn Đình Xứng giao UBND huyện Hoằng Hóa sớm có đề xuất cụ thể về mặt chủ trương để Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Thống nhất để UBND huyện Hoằng Hóa làm chủ đầu tư để triển khai dự án kè chống sạt lở bờ biển Hải Tiến. Công trình được áp dụng hình thức giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng), đảm bảo tổng mức đầu tư dự án khoảng 100 tỷ đồng. Sở Tài chính nghiên cứu, dành khoảng 15 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách cho huyện Hoằng Hóa thực hiện các thủ tục đầu tư và khởi công xây dựng công trình.

Công trình kè biển đổ sập sau bão
Công trình kè biển đổ sập sau bão

Trước đó, liên quan đến con số thiệt hại do bão số 10 gây ra, huyện Hoằng Hóa có tới 3 con số báo cáo về thiệt hại khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Cụ thể, tại báo cáo ban đầu vào ngày 16/9, con số thiệt hại là 897 tỷ đồng. Đến ngày 18/9, huyện này lại báo cáo thiệt hại với tổng số tiền lên tới hơn 937 tỷ đồng. Và đến ngày 21/9, con số thiệt hại do bão số 10 tại địa phương này đã giảm còn hơn 600 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Đức Giang, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa khẳng định: “Thực tế vẫn còn hiện trạng đó nên không ai nói dối được… Những con số báo cáo lên đều là chính xác, không ai kê thêm làm gì”.

Trần Lê