"Đấu tranh phòng chống tham nhũng trở thành xu thế không thể cưỡng lại"

Thế Kha

(Dân trí) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương tại cuộc họp báo chiều 9/12 về Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 dự kiến được tổ chức vào ngày 12/12 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội và được truyền trực tuyến tới 82 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quân khu, quân chủng, binh chủng, binh đoàn, bộ tư lệnh và tương đương trong quân đội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng sẽ chủ trì hội nghị.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng trở thành xu thế không thể cưỡng lại - 1

Ông Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương trả lời báo chí (Ảnh: Thế Kha).

Ông Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định, sau 8 năm, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. "Đó là kết quả rất lớn"- ông Học nói.

Theo ông Học, từ năm 2012 đến nay đã có trên 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp vào diện theo dõi, chỉ đạo 3 cấp độ. Trong đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực tiếp theo dõi 133 vụ án, 94 vụ việc.

"Báo chí có đặt câu hỏi là sắp tới công tác phòng chống tham nhũng như thế nào, có "nóng" nữa không?. Câu hỏi này không chỉ báo chí quan tâm mà nhân dân cũng rất quan tâm. Đồng chí Tổng Bí thư cũng đặt vấn đề như thế này, tâm trí của người dân cũng quan tâm lo lắng, thời gian qua làm tốt rồi thì thời gian tới làm tốt không?"- ông Học nói.

Ông Học dẫn lại việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần kết luận "công tác phòng chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, không trùng xuống, mà phải làm quyết liệt hơn". Phong trào đấu tranh phòng chống tham nhũng đã thực sự trở thành phong trào quần chúng, "thành xu thế không thể cưỡng lại".

"Tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn duy trì mãi như thế"- ông Học nhấn mạnh.

5 cấp độ xử lý

Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho biết, hội nghị sắp tới có quá trình chuẩn bị bài bản, nghiêm túc. Việc tiến hành tổng kết được thực hiện từ cấp cơ sở.

Báo cáo tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 tập trung vào 9 nhóm vấn đề. Trong đó nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Tiến độ, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế có chuyển biến tích cực qua các năm. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước và các vụ án mà lâu nay được cho là "vùng cấm, nhạy cảm" đã được tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh với mức án nghiêm khắc nhưng cũng nhân văn.

Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; kiên quyết xử lý nghiêm nhiều cán bộ cao cấp, cả đương chức và đã nghỉ hưu, cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang có vi phạm, thể hiện nhất quán quan điểm "nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".

"Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", khắc phục tư tưởng "hạ cánh an toàn" trong xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm. Truy bắt, xử lý các đối tượng phạm tội tham nhũng, sau đó bỏ trốn ra nước ngoài"- báo cáo của Ban Nội chính Trung ương cho hay.

Ông Võ Văn Dũng- Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã đề ra cơ chế phối hợp, xử lý theo 5 cấp độ.

Nếu vụ việc đang có khó khăn, vướng mắc thì thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc họp liên ngành, và mời các cơ quan khác để trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Vụ việc nằm ở giai đoạn truy tố thì viện kiểm sát chủ trì, ở giai đoạn xét xử thì tòa án chủ trì; nếu vẫn chưa tháo gỡ được thì Trưởng ban Nội chính Trung ương chủ trì họp liên ngành để tìm hướng tháo gỡ. Đó là cấp độ 1.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng trở thành xu thế không thể cưỡng lại - 2

Ông Võ Văn Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương thông tin tại cuộc họp báo.

"Nếu vẫn chưa tháo gỡ được thì chuyển lên cấp độ 2 là đồng chí Thường trực Ban Bí thư chủ trì cuộc họp liên ngành để bàn bạc, giải quyết. Mức độ 3 là họp tập thể Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng để giải quyết. Nếu chưa xong, chưa thống nhất thì họp toàn thể Ban Chỉ đạo, vẫn chưa xong thì họp toàn thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thời gian qua với cơ chế đó tất cả khó khăn, vướng mắc của các vụ việc đều đã được giải quyết"- ông Dũng khẳng định.

Bên cạnh đó, còn có cơ chế phối hợp giữa các Cục, Vụ thuộc các cơ quan liên ngành, chế độ thường xuyên hội ý để giải quyết các vụ việc.

"Còn có cả cơ chế thành lập Ban chỉ đạo về vụ án, vụ việc cụ thể phức tạp và trong thực tế đã đem lại hiệu quả giải quyết rất cao" - ông Dũng cho hay.

Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng không chỉ đạo về tội danh cụ thể, mà đặt ra yêu cầu làm thế nào đảm bảo tiến độ, xử lý đúng, người đúng tội, đúng pháp luật, "không nhẹ tay, không oan sai, nghiêm minh, đức sức răn đe". Đặc biệt là "không được làm trễ bởi làm trễ thì người dân suy nghĩ".

Nói thêm về chuyện này, ông Nguyễn Thái Học cho rằng, việc xử lý theo 5 cấp độ trên nằm trong quy chế làm việc và hiện nay Ban Nội chính Trung ương đang tham mưu để sửa đổi, bổ sung quy trình này cho phù hợp với tình hình thực tế đang đặt ra.