Đầu năm, khám phá những bức tượng “kỳ lạ" nhất Việt Nam
(Dân trí) - Ở Việt Nam, có những bức tượng rất kỳ lạ như: Bức tượng có thể đứng lên ngồi xuống, tượng giống như người thật, tượng Phật ngự trên lưng vua…
Các điện thờ ở chùa miền bắc có vô cùng phong phú các loại tượng Phật, la hán... nhưng không nơi đâu có được pho tượng lạ như ở chùa Hòe Nhai (Hà Nội). Pho tượng đôi, một quỳ, một tọa trên lưng người quỳ. Pho tượng được đặt bên trái chính điện, đăng đối với tượng quan âm tống tử.Theo sư trụ trì tại chùa, bộ tượng có chiều cao tổng thể là 1,78m, được phủ sơn son thiếp vàng và có nguồn gốc từ thế kỷ 17, 18.
Tương truyền, tượng gắn với truyền thuyết về vua Lê Hy Tông (1676 – 1680) thể hiện sự sám hối của ông sau khi có những chính sách hạn chế Phật giáo. Sau khi được hòa thượng Tông Diễn thuyết pháp, vua Lê Hy Tông đã bừng tỉnh, tự nguyện đề nghị với hòa thượng Tông Diễn rằng nên làm một bức tượng mà trong đó, vua thủ phục dưới Phật, để thể hiện sự sám hối và sửa mình một cách cẩn trọng của ông.
Bức tượng Phật ngồi trên lưng vua ở chùa Hoè Nhai
Độc đáo không kém bức tượng Phật ngự trên lưng vua ở chùa Hòe Nhai, một pho tượng kỳ lạ có thể ngồi xuống, đứng lên như người thật tại miếu Bảo Hà, Hải Phòng cũng khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.
Bức tượng thờ Đức Linh Lang Đại vương trong tư thế ngồi trên ngai, tay cầm văn tự có thể chuyển động, đứng lên một cách nhẹ nhàng, khoan thai, rồi lại từ từ ngồi xuống.
Bí mật về sự chuyển động của bức tượng Đức Linh Lang Đại vương nằm ở cánh cửa ngay điện thờ, khi mở dần cánh cửa thì bức tượng dần đứng lên nhưng khi khép lại thì bức tượng lại trở về tư thế ngồi ban đầu. Bức tượng có niên đại gần 700 năm này là sự sáng tạo “độc nhất vô nhị” của tổ tiên, sự kết hợp tài tình giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối.
Bức tượng thờ Đức Linh Lang Đại vương ở Hải Phòng có khả năng đứng lên ngồi xuống
Những nghệ nhân xưa đã sử dụng cách chuyển động trong múa rối để thổi hồn vào bức tượng trở nên kỳ lạ, huyền bí. Người dân vùng này coi đây là một báu vật, biểu tượng của một ngôi làng truyền thống.
Chùa Quán Sứ nằm ở số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), được xây dựng vào khoảng thế kỷ 15. Bức tượng sáp được làm theo nguyên mẫu của Hòa thượng Thích Thanh Tứ, người từng trụ trì ở chùa Quán Sứ cũng được xem là bức tượng độc đáo, hiếm gặp bởi thoạt nhìn không khác gì người thật.
Bức tượng hòa thượng Thích Thanh Tứ ở chùa Quán Sứ
Từng sợi gân tay, làn da, mái tóc cho đến cặp lông mày của hòa thượng Thích Thanh Tứ đều y như người thật khiến nhiều người đi lễ chùa phải ngỡ ngàng.
Theo sư thầy Thích Thanh Tuấn cho biết, tượng được đưa về chùa dịp lễ Tiểu tường - một năm ngày hoà thượng viên tịch. Khi diện kiến, nhiều phật tử đã xúc động bật khóc bởi bức tượng sáp giống như người thật.
Xuân Ngọc - Hà Trang