1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Đau lòng” với công viên, cây xanh Hà Nội

(Dân trí) - Nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội, Đào Ngọc Nghiêm hài hước: “Chúng ta tự nhận mình là thành phố xanh nhưng tỉ lệ cây xanh rất thấp”. Còn KTS Hà Tất Ngạn nhìn nhận, việc gộp cả cây xanh ngoại thành vào nội đô là… “ăn gian”.

Rất nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề công viên, cây xanh Hà Nội đã được đặt ra tại hội thảo “Khai thác hiệu quả công viên - vườn hoa thành phố Hà Nội”, diễn ra ngày 17/3.
 
Lặng gió là… khó thở!
 
KTS Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Qui hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, nhiều công viên Hà Nội bị méo mó, biến dạng, sử dụng không đúng chức năng. Ngay cả một số công viên mới cũng bị xâm lấn.
 
Theo ông Bá, nếu có đạt chỉ tiêu 2m2 cây xanh/người tại khu đất ở như điều chỉnh qui hoạch Hà Nội đến 2020 (trong quyết định 108/1998) vẫn là rất thấp, thấp vào loại nhất thế giới. “Không thể cho phép một Thủ đô lớn như Hà Nội mà yếu tố cây xanh lại bị hẫng hụt như vậy”, ông Bá nhấn mạnh.
 
“Đau lòng” với công viên, cây xanh Hà Nội - 1
KTS Nguyễn Thế Bá: nhiều công viên Hà Nội đang bị biến dạng.
 
KTS Huỳnh Đăng Hy, Tổng thư kí Hội Qui hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, qui hoạch về cây xanh trong qui hoạch hủ đô hiện nay chưa thỏa đáng. Ở phía Bắc sông Hồng, cây xanh được phân bổ (trên qui hoạch) dày đến mức có cảm giác “đô thị ở trong rừng”! Thế nhưng, lại không có ý tưởng phát triển cây xanh ở phía Nam, khu vực Hồ Tây.
 
Cũng theo ông Hy, chúng ta đặt mục tiêu 4.000 ha công viên đến 2020, nhưng qua 10 năm dường như chưa thực hiện được gì.
 
Theo số liệu do Jica lập năm 2006, hiện trạng đất công viên - cây xanh 9 quận nội thành chỉ có 0,9m2/người, riêng Đống Đa, Gia Lâm chỉ có 0,05m2/người.
 
Ông Hy cũng đánh giá, qui hoạch hiện nay mới chỉ tính cây xanh nói chung, chưa đặt riêng vấn đề cây xanh trong nội thành.
 
“Nếu cứ gom cây xanh ngoại đô vào chung với nội thành là… ăn gian”, KTS Hà Tất Ngạn chia sẻ trong phát biểu sau đó. Theo ông Ngạn, nếu tính chung, tỉ lệ cây xanh tạm ổn, nhưng ở giữa nội đô, hôm nào lặng gió là … khó thở. Ông Ngạn đề nghị, tới đây nên tách ngoại thành ra, làm riêng vấn đề cây xanh trong nội đô.
 
“Đừng đổ cho công viên không làm ra tiền mà phá đi - chỉ cần đó là công viên, cây xanh thôi”, KTS Hà Tất Ngạn nhấn mạnh.
 
Ông Nguyễn Đình Toàn, Viện trưởng Viện Kiến trúc, qui hoạch đô thị và nông thôn cho biết, ông đã đi nhiều nước nên rất “thấm thía” thế nào là công viên, cây xanh. “Nghĩ đến việc vì sao họ làm được những công viên dù nhỏ, dù lớn đều như một bức tranh, tôi thấy đau lòng cho công viên của ta”, ông Toàn chia sẻ.
 
Tuy nhiên, theo lí luận của ông Toàn, việc quản lí qui hoạch về công viên, cây xanh như thế nào là vấn đề lớn hơn lập qui hoạch.
 
Không có chữ “khách sạn” trong đất công cộng
 
Theo KTS Huỳnh Đăng Hy, công viên Hà Nội được qui hoạch, nhưng biện pháp thực hiện lâu nay là “liên doanh, liên doanh”. Ông Hy nhấn mạnh, không thể chờ “liên doanh” như vậy mà phải có cách làm thật quyết liệt.
 
Cũng theo ông Hy, quan niệm về công trình công cộng trong công viên đang có vấn đề và ảnh hưởng đến sự sống còn của công viên.
 
Cụ thể, ông cho rằng, không thể quan niệm khách sạn có thể nằm trong công viên, bởi nếu như vậy sẽ bóp dần công viên lại. Khi đó, hồ và cây xanh chỉ còn là vườn sau của công trình khách sạn.
 
“Đau lòng” với công viên, cây xanh Hà Nội - 2
Công viên Thống Nhất là chủ đề "nóng" của hội thảo.
 
KTS Hà Tất Ngạn đồng tình, có thể xây dựng những công trình trong công viên, nhưng đó phải là những công trình giải trí, phục vụ chức năng của công viên với tỉ lệ rất nhỏ, nhất thiết không thể đưa khách sạn vào.
 
Vấn đề thời sự của công viên Thống Nhất được GS Đặng Hùng Võ phân tích theo những qui định của pháp luật về đất đai. Theo ông Võ, đất làm khách sạn thuộc loại đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh.
 
Trong khi đó, đất công cộng theo Nghị định 181 được sử dụng vào rất nhiều mục đích công cộng như giao thông, vỉa hè, thoát nước, chợ, vườn hoa, cây xanh, công trình văn hóa, bảo tàng…
 
Trong một loạt mục đích sử dụng của loại đất này, không có từ nào nói về... khách sạn. Trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất công cộng sang đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh cũng rất phức tạp.
 
“Hệ thống pháp luật về vấn đề đất công cộng cũng như đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh chưa có gì sai, còn những gì sai với nó là sai thật”, ông Võ phân tích.
 
Cấn Cường