Dấu lặng từ “chiếc ghế trống” ngành lương thực!
(Dân trí) - Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Song, dư luận lại quan tâm đến “chiếc ghế trống” – Chủ tịch VFA hiện nay, vì đằng sau “chiếc ghế trống” này còn một “dấu lặng” rất lớn...
Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo, nước ngoài đã thừa nhận. Đó là dấu ấn khi Việt Nam đạt sản lượng khoảng 45 triệu tấn lúa/năm, thông qua kênh xuất khẩu từ 6-8 triệu xuất xuất khẩu gạo/năm. Song, nông dân vẫn còn khó khăn, nhiều nông dân vẫn chưa thể vươn lên khá, giàu từ nghề trồng lúa, thế giới cũng biết!
Một thời, xuất khẩu gạo được xem là “miếng bánh ngon” để các doanh nghiệp chia nhau khai thác. Thậm chí, một số doanh nghiệp ngoài ngành cũng nhảy vào làm xuất khẩu gạo! Gần đây, khi thị trường xuất khẩu gạo xuất hiện nhiều đối thủ và cạnh tranh gay gắt thì những yếu kém của ngành xuất khẩu gạo lộ diện một cách rõ ràng!
Câu chuyện “chiếc ghế trống” Chủ tịch VFA lại “nóng lên” - khi mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang vừa quyết định đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch - Thương mại Kiên Giang đối với ông Nguyễn Hùng Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - người được VFA bầu giữ chức vụ chủ tịch VFA trong một cuộc họp Ban Chấp hành VFA ngày 20/3/2014 trái quy định.
Đầu tháng 3-2015, nông dân ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Không chỉ nóng chuyện giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, mua với giá nào để nông dân đạt mức lợi nhuận tối thiểu 30%, việc giao chỉ tiêu đã công tâm chưa…? Hàng loạt câu hỏi từ nhiều năm qua nay đặt lại.
Mới đây ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang phản ứng khá gay gắt: “Ký hợp đồng xuất khẩu có hiệu quả hay không, cần làm rõ trách nhiệm của VFA đi ký hợp đồng có lợi hay không. Không nên áp dụng tiêu chí này để loại bỏ doanh nghiệp được giao chỉ tiêu mua tạm trữ”.
Trong ngành gần như ai cũng hiểu không phải “ngẫu nhiên” ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang có ý kiến “soi” khá nặng nề vai trò của VFA. Từ lâu, lời ra tiếng vào về chuyện có hay không lợi ích nhóm trong VFA đã âm ĩ. Kéo theo chuyện vị nguyên chủ tịch VFA làm “chủ xị” bầu lại chủ tịch VFA mới càng làm “nghi vấn” tăng thêm! “Chúng tôi đang chuẩn bị kiểm điểm. Trước 20/3, trình Bộ Nội vụ phương án bầu lại chủ tịch VFA mới. Và dự kiến, sẽ bầu lại chức danh này trước tháng 6-2015” – ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch điều hành VFA cho biết.
Với khoảng 25 năm trong thương trường xuất khẩu, hạt gạo Việt Nam đã tạo nên nhiều kỳ tích. Từ việc “cấp hạn ngạch” và xóa bỏ để nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Trong khoảng 3 năm trở lại, cứ vào mùa vụ, VFA lại “hô hào” sẽ triển khai các phương thức tổ chức “tận dụng” thương lái lúa mua trực tiếp từ nông dân, triển khai vùng nguyên liệu…
Thế nhưng thực tế, sự biến chuyển là rất ù lỳ. Vì vậy, nhiều chuyên gia lúa gạo cho rằng: tái cơ cấu trong sản xuất lúa gạo, cần phải tái cơ cấu lại chính bộ máy của VFA để loại trừ lợi ích nhóm, tập trung tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất gạo theo hướng có lợi cho nông dân và hài hòa với lợi ích doanh nghiệp.
Có thể nói VFA là một tổ chức bao gồm nhiều doanh nghiệp có “miệng lưỡi” trong lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam. Vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp rất lớn trong việc điều tiết lượng kênh phân phối giá cả. Năm qua, lãnh đạo một số doanh nghiệp ngành lương thực đã hầu tòa, vài doanh nghiệp bên bờ phá sản. Nhưng thực tế, đại bộ phận doanh nghiệp lương thực đã lớn mạnh từ “nguồn hàng xuất khẩu gạo”, mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác. Không chỉ nông dân mà ngay cả các doanh nghiệp thành viên của VFA cũng đang đặt “ngóng vọng” vào người sẽ ngồi vào “chiếc ghế trống” – chủ tịch VFA hiện nay!
Vĩnh Tường – Phạm Tâm