1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đấu giá biển số xe đẹp để ngăn tiêu cực khi cấp biển số

(Dân trí) - Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe ô tô nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân, là sơ sở để tăng tính công khai, minh bạch, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong khâu cấp biển số, bảo vệ uy tín lực lượng Công an nhân dân.


Vụ biển số đẹp được lắp cho nhiều xe xảy ra tại tỉnh Vĩnh Phúc, từng gây xôn xao dư luận vào năm 2009. (Ảnh: Tuấn Hợp).

Vụ biển số đẹp được lắp cho nhiều xe xảy ra tại tỉnh Vĩnh Phúc, từng gây xôn xao dư luận vào năm 2009. (Ảnh: Tuấn Hợp).

Bộ Công an vừa tổ chức họp lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành về dự thảo Đề cương Đề án đấu giá biển số xe ô tô. Theo đó, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn khẳng định, việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe ô tô nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân, là sơ sở để tăng tính công khai, minh bạch, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong khâu cấp biển số, bảo vệ uy tín lực lượng Công an nhân dân.

Việc đăng ký, cấp biển số xe là thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của ngành Công an đối với xe cơ giới, phục vụ cho công tác quản lý và nghiệp vụ, giúp tìm ra được chủ xe, truy tìm xe vi phạm, theo dõi các đối tượng nghi vấn.

Mặt khác, giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe là một loại chứng nhận do cơ quan quản lý Nhà nước cấp để xác nhận quyền sở hữu xe của chủ phương tiện. Tuy nhiên, chủ phương tiện khi đăng ký xe thường có tâm lý muốn được biển số “đẹp”, biển số “dễ nhớ” hoặc biển số theo ý thích… nên sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Việc đấu giá biển số xe tự chọn sẽ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân.

Tại cuộc họp, sau khi thông qua dự thảo Đề cương Đề án đấu giá biển số xe ô tô, các đại biểu đã tập trung thảo luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, để đưa biển số xe ra đấu giá thì việc làm đầu tiên và bắt buộc là phải xác định được biển số xe là tài sản.

Tuy nhiên, quyền tài sản lại bao gồm cả quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt; khi đó biển số sẽ thành tài sản cá nhân, không còn là giấy tờ, tài liệu của cơ quan Nhà nước nên chủ sở hữu có thể cho, tặng, bán biển xe đó cho người khác. Điều này sẽ làm thay đổi nguyên tắc quản lý phương tiện hiện hành.

Một số ý kiến khác coi biển số xe là tài sản nhưng chủ xe chỉ có quyền sử dụng, không có quyền định đoạt (cho, tặng, bán biển số xe cho người khác); không có quyền chiếm hữu (giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác). Biển số xe trúng đấu giá là tài sản dưới dạng “quyền tài sản” nhưng phải thực hiện theo nguyên tắc quản lý phương tiện của pháp luật hiện hành là mỗi biển số gắn với 01 xe, khi chuyển nhượng xe thì biển số đó được cơ quan Công an làm thủ tục cùng với xe.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về những đặc thù quản lý hành chính đối với việc đăng ký và cấp biển số xe; những loại biển số nào dự kiến sẽ được bán đấu giá; đối tượng bán đấu giá và ai sẽ đứng ra bán đấu giá; hình thức đấu giá…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn khẳng định, việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe ô tô nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân, là sơ sở để tăng tính công khai, minh bạch, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong khâu cấp biển số, bảo vệ uy tín lực lượng Công an nhân dân.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn yêu cầu, cơ quan chủ quản xây dựng dự thảo Đề cương Đề án đấu giá biển số xe ô tô tập hợp các ý kiến tham gia trong cuộc họp để báo cáo với Chính phủ, trước mắt sẽ đề xuất, kiến nghị với Chính phủ đưa ra một lộ trình cho phù hợp với thực tiễn, tiến hành làm thí điểm trong khi chờ hoàn chỉnh phương án tối ưu nhất đúng theo luật pháp.

Theo thống kê đến hết năm 2016, cả nước có trên 3 triệu ô tô, và trên 50 triệu xe mô tô các loại; số lượng xe ô tô và mô tô đăng ký mới có xu hướng gia tăng hằng năm, có địa phương tăng từ 30-40%. Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý phương tiện giao thông, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế về việc bán đấu giá biển số xe ô tô.

Tuấn Hợp