Đau đầu tìm hướng vá đường “rách”
(Dân trí) - Trao đổi về hiện tượng đường Vũng Áng - Cha Lo sụt lún, nứt nẻ nghiêm trọng sau bão số 9, ông Nguyễn Trân, PGĐ Sở GTVT Hà Tĩnh, thừa nhận đây là một chuyện “không bình thường”. Ông Trân cũng cho rằng giải pháp khắc phục và kinh phí là bài toán khó giải.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trân đồng quan điểm của ông Phạm Duy Khánh - Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án 85 (PMU 85, Bộ GTVT) - rằng đường miền núi sụt lún là điều khó tránh khỏi, yếu tố khí hậu và địa chất đã góp phần không nhỏ làm hỏng con đường. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận những gì đang diễn ra với tuyến đường Vũng Áng - Cha Lo là một điều không bình thường.
Sụt lún là do thi công không đúng kỹ thuật
Sau khi xem loạt hình ảnh mà PV Dân trí cung cấp, với kinh nghiệm hàng chục năm làm chuyên môn của mình, ông Trân khẳng định ngay: “Vết nứt lớn, chạy dài trên mặt đường chia cắt phần nền tự nhiên và phần đất đắp. Lỗi này thuộc về nhà thầu thi công và tư vấn giám sát do nền đường xử lý không đúng kỹ thuật dẫn đến phần taluy âm sụt, trượt”.
Cụ thể, đơn vị thi công đã không đào giật cấp ta luy, không cày xới, lu lèn đảm bảo độ E (modul đàn hồi) theo thiết kế. Sai sót trên đã không được tư vấn giám sát phát hiện, cho sửa chữa kịp thời để đơn vị thi công đắp đất khiến phần nền tự nhiên và phần đào đắp không ăn khớp với nhau. Khi mưa xuống, nền đường vốn không có sự kết dính giữa phần tự nhiên và phần nền đắp gây sụt lún.
“Khi đã có hiện tượng lún thì cả mảng taluy âm bị trượt, kéo theo thảm đường. Một khi nền đường sụt, trượt thì dù có chất lượng đến mấy thì thảm đường cũng sẽ bị nứt đôi”, ông Trân giảng giải.
Cũng theo ông Trân, các hạng mục taluy chống sụt, trượt khác trên tuyến đường cũng có vấn đề, trong đó độ mở của taluy chưa đạt theo độ dốc trong thiết kế.
Ông Trân cho rằng, sai phạm trên của nhà thầu và tư vấn giám sát có trách nhiệm của chủ đầu tư khi buông lỏng công tác quản lý, thiếu kiểm tra khi tuyến đường đang thi công.
Đau đầu bài toán khắc phục
Hiện giải pháp khắc phục và kinh phí đang là bài toán khó tìm lời giải. Theo tin Dân trí nắm được, giải pháp ban đầu “phá bỏ đường bị nứt để làm cầu” vừa đưa ra đã bị đặt dấu hỏi về kinh phí. Giải pháp “bóc một phần nửa mặt đường, đào xuống gia cố phần dưới nền đường đến một cao độ bảo đảm ổn định phần cơ rồi trám lại mặt đường” đảm bảo về vấn đề chi phí song không đảm bảo về chất lượng công trình sau sửa chữa.
Chủ đầu tư đưa ra giải pháp làm các giếng khoan trong lòng đất để thoát nước ngầm, ổn định cơ đường. Giải pháp này dự báo cũng tiêu tốn không ít tiền đầu tư.
Được biết, theo dự kiến, trong tuần này, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Bộ GTVT sẽ trình giải pháp khắc phục sơ bộ những hạng mục hư hỏng lên PMU85, trên cơ sở đó PMU85 sẽ trình Bộ GTVT xem xét.
Văn Dũng