1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Tĩnh:

Đau đầu tìm cách "chữa cháy" khi hàng nghìn hecta lúa chết rét

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của đợt rét trước và sau Tết Nguyên đán, hàng nghìn héc ta lúa đã gieo cấy và hàng trăm héc ta mạ ở Hà Tĩnh chết trắng đồng. Để khắc phục và cứu vựa lúa chính trong năm, nông dân đang “đau đầu” tìm cách xuống giống.

Lúa chết rét đồng loạt, nông dân lo mùa mất trắng

Đang ngồi bần thần bên ruộng mạ là nguồn thu nhập chính của gia đình, bà Trần Thị Thơ, trú thôn Đại Lự, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh cho biết: “Gia đình tôi có gần 10 sào ruộng, trước tết đã xuống giống, thế nhưng gặp phải đợt rét kỷ lục là cho toàn bộ số diện tích mạ bị chết. Giờ không biết tìm đâu ra giống để xuống lại”.

Trên các ruộng mạ thay vì mọc um tùm, xanh tốt thì nhiều điểm đã lốm đốm mạ non chết từng khúm. Hiện tượng chung, mạ gieo trước tết đều thối rữa ở chân, một số đám mạ bị sâu bệnh, khẳng khiu không thể nào đem cấy được. Nhiều hộ dân lo ngại sắp tới không đủ mạ để cấy lúa.

Mạ gieo bị hư hỏng không thể cấy được, còn hàng trăm hộ khác cấy lúa từ trước tết đến nay cũng chết trơ gốc. Vừa mất giống, mất công sức, phân bón bỏ ra trước đó.

Do ảnh hưởng của đợt lạnh cuối năm, hàng ngàn héc ta lúa có nguy cơ mất trắng.
Do ảnh hưởng của đợt lạnh cuối năm, hàng ngàn héc ta lúa có nguy cơ mất trắng.

Trong tiết trời mưa phùn và giá lạnh thế nhưng anh Nguyễn Trọng Vỹ, trú huyện Thạch Hà đang cố xuống lại toàn bộ giống của diện tích đất nhà mình, anh Vỹ cho biết: “Do gặp phải đợt rét kỷ lục trước tết nguyên đán nên gần 60kg lúa giống của gia đình tôi bị chết sạch. Nay tôi phải mua các loại giống trôi nổi trên thị trường về xuống giống. Nếu đợt xuống giống này không được nữa chắc năm nay gia đình tôi chết đói mất”.

Một trong những địa phương thiệt hại lớn là huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) với diện tích lúa đã gieo cấy: 1.203 ha, diện tích lúa bị chết: 623 ha và 130 ha mạ xuân muộn bị chết không thể cứu vãn.

Trao đổi nhanh với PV Dân Trí, ông Võ Tá Bình – Trưởng phòng NN PT NT huyện Lộc Hà cho biết: “Hiện tượng mạ chết đã xảy ra trước tết nguyên đán, ngay từ đầu chúng tôi đã chỉ đạo trực tiếp xuống các địa phương có phương án hỗ trợ bà con, không để một diện tích nào phải bỏ hoang. Chúng tôi đã có phương án trình lên Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xin phương án hỗ trợ”.

Thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Vụ xuân 2016, toàn tỉnh Hà Tĩnh gieo, cấy hơn 52.000 ha. Do đợt gieo, cấy trước Tết Nguyên đán gặp rét đậm nên nhiều diện tích bị hư hỏng. Thống kê có gần 6.400 ha lúa gieo, cấy bị chết trên 50%; hơn 5.700 ha chết từ 30 - 50%;... Diện tích lúa bị chết xảy ra ở tất cả 13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Trong đó, thiệt hại lớn nhất là huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Hương Sơn, Can Lộc.


Sau Tết Nguyên đán người dân đổ xô ra đồng để cứu vãn diện tích lúa của gia đình.

Sau Tết Nguyên đán người dân đổ xô ra đồng để cứu vãn diện tích lúa của gia đình.

Những ngày sau Tết Nguyên đán ở các địa phương khác trên cả nước người dân đang du xuân, thưởng ngoạn các cảnh đẹp ở các địa điểm du lịch hay các ngôi chùa. Còn ở địa bàn Hà Tĩnh tiết trời lạnh căm căm, thế nhưng hàng nghìn nông dân phải ra đồng lội ruộng mong cứu vãn được số diện tích lúa gia đình mình.

Anh Tấn – Tiến Hiệp