1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đặt tên quá dài không ảnh hưởng gì đến xã hội

(Dân trí) - Ủy ban Pháp luật Quốc hội tán thành với quy định hạn chế việc đặt tên trong trường hợp gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

Ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Tên quá rườm rà ảnh hưởng đến các thủ tục pháp lý

Báo cáo tổng hợp chi tiết ý kiến tiếp thu nhân dân đối với dự thảo Luật Dân sự sửa đổi cho rằng, cần phải làm rõ quy định họ của con được xác định theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ. Vì trường hợp mang thai hộ mục đích nhân đạo “cha đẻ, mẹ đẻ” là ai giữa vợ, chồng người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ (người trực tiếp mang thai và sinh con).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi (Ảnh Việt Hưng)

Trong các văn bản pháp luật về hộ tịch hiện nay chưa có quy định cụ thể, chi tiết về việc đặt tên cho con đối với cha và mẹ là người Việt thì người con phải đặt tên theo ngôn ngữ tiếng Việt (trừ trường hợp có cha hoặc mẹ là người nước ngoài). Do vậy, báo cáo đề nghị nên bổ sung thêm, quy định chi tiết hơn việc đặt tên quy định trong dự thảo Bộ luật Dân sự.

Ngoài ra, báo cáo còn đề nghị bổ sung quy định đặt tên không dài quá 5 từ và sử dụng bí danh, bút danh không được trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Lý do được đưa ra là để tránh trường hợp tên quá dài, rườm rà gây khó khăn phức tạp trong việc làm các hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan đến nhân thân, trên thực tế đã có một số trường hợp cả họ và tên dài đến 10 từ gây bất tiện trong quá trình làm các hồ sơ, thủ tục.

Về quyền nhân thân, Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định hạn chế việc đặt tên trong trường hợp gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự” vì quy định như vậy là phù hợp với Hiến pháp.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật không tán thành quy định “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam và không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái” vì cho rằng quy định hạn chế về cách đặt tên, độ dài của tên là không cần thiết.

Hơn nữa, việc đặt tên bằng số, bằng một ký tự hay quá dài cũng không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo làm rõ những nội dung này để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tôn trọng quyền con người, quyền công dân.

Về quy định “cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên và chữ đệm trong các trường hợp đối với người dưới 14 tuổi thì mọi trường hợp không bị hạn chế. Theo Ủy ban Pháp luật quy định hiện hành mọi trường hợp đề nghị thay đổi họ, tên đều phải có lý do nhất định để tránh sự tùy tiện.

“Với trẻ em dưới 14 tuổi là độ tuổi đang phát triển, chưa định hình về mặt tính cách, tâm lý; việc cho phép các em quyền được thay đổi tên và chữ đệm trong bất kỳ trường hợp nào cần cân nhắc thận trọng. Hơn nữa, quy định này cũng không phù hợp với Luật hộ tịch”, Ủy ban Pháp luật lưu ý.

Thận trọng quyền nhân thân người chuyển đổi giới tính

Về quy định về việc chuyển đổi giới tính theo hướng: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 Điều này”.

Ủy ban pháp luật cho rằng, việc thừa nhận hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh. Cụ thể như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam...

Do đó, vấn đề trên Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Dự thảo Bộ luật một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan.

Như vậy, nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ. Ủy ban pháp luật cho rằng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, giải trình rõ quy định này.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm