1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đặt nhầm chỗ, cầu bộ hành lãng phí tiền tỷ

(Dân trí) - Hơn một năm trước, Hà Nội bỏ ra 234 tỷ đồng đầu tư xây dựng xây dựng 18 cây cầu vượt bộ hành mục tiêu là hạn chế tai nạn giao thông cho người đi bộ. Tuy nhiên, không ít những cây cầu đang bị xem là đặt không đúng chỗ và đang “ế khách”.

Khốn khổ vì cầu bộ hành

Hoàn thành hơn 2 tháng nay nhưng 2 cây cầu bộ hành trên đường Giảng Võ rất ít người qua lại. Hàng chục hộ dân sống ngay cạnh cầu cho biết, từ khi cây cầu hoàn thành vào buổi trưa hoặc tối mặt cầu trở thành nơi tụ tập của bọn nghiệm trích hút và đánh bạc. “Chính điều đó làm người dân không dám qua cầu và làm tình hình an ninh trật tự khu vực bất ổn”, anh Tùng số ở số nhà 337 Giảng Võ cho biết.

Trong khi đó, các hộ dân số trong ngõ 25 Nguyễn Chí Thanh (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) nơi có cây cầu vượt đang xây dựng dở lại cho rằng, vị trí xây cầu như vậy chẳng khác nào bít lối đi của hàng chục hộ dân trong xóm. Nhiều người lo ngại, khi có hoả hoạn hoặc trường hợp khẩn cấp xảy ra cây cầu sẽ là tác nhân gây ra hậu quả khôn lường.

Đặt nhầm chỗ, cầu bộ hành lãng phí tiền tỷ  - 1
Cầu bộ hành trên đường Giảng Võ gây khó khăn cho gần chục hộ dân trong việc kinh doanh

Không chỉ các hộ dân, ngay cả một cơ quan nhà nước là Công đoàn Bộ Y Tế cũng không hài lòng với cây cầu bộ hành trước cơ quan này. Bà Phạm Thị Luyên, Chủ tịch Công đoàn Y tế VN cho biết, Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) thiết kế xây dựng cây cầu mà không có trao đổi gì với lãnh đạo của Công đoàn Bộ Y tế. “Đến khi mấy người công nhân ra đào xới tung cả cổng chúng tôi mới tá hoả chạy lên làm việc và thấy bản vẽ không thể hiện cổng ra vào của cơ quan chúng tôi mà chỉ có đường ngõ, cổng ra vào của các cơ quan khác”, bà Luyên nói.

Theo bà Luyên, lãnh đạo Công đoàn Bộ Y tế đấu tranh mãi chủ đầu tư mới chịu thụt lại hơn 1m lối đi. Tuy nhiên, bà Luyên cho biết, từ khi cây cầu đi vào hoạt động đã gây không ít khó khăn cho Công đoàn Bộ Y tế. “Lưu lượng xe ra vào Công đoàn Y tế Việt Nam rất đông. Việc cây cầu vượt chắn ngang cổng khiến nhiều loại xe không vào được. Một số xe ra vào được thì cũng lạng lách mất rất nhiều thời gian”, bà Luyên nói.

Không đặt đúng chỗ, tiền tỷ lãng phí

Dự án xây dựng 18 cây cầu vượt bộ hành được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt với tổng mức đầu tư lên đến 234 tỷ đồng nằm trên các tuyến đường Chùa Bộc, Láng Hạ, Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Liễu Giai, Tây Sơn, Hoàng Quốc Việt, Trần Khát Chân, Giải Phóng… Mục tiêu của dự án là tăng cường an toàn trên các tuyến đường, hạn chế tai nạn giao thông cho người đi bộ và cải thiện giao thông dọc các tuyến đường chính trong hệ thống trục đường đô thị tại Hà Nội cũng như cải thiện môi trường sống tại các khu dân cư.

Đặt nhầm chỗ, cầu bộ hành lãng phí tiền tỷ  - 2
Cầu đường bộ vắng người qua lại

Tuy nhiên, theo quan sát, hàng chục cầu đường bộ đã hoàn thành nhưng có quá ít người đi lại. Một trong những nguyên nhân chính là cây cầu được đặt ở những địa điểm có lượng người đi bộ qua đường không nhiều. Điển hình trong số này là cây cầu trên đường Đại Cồ Việt, Trần Cát Chân, Giảng Võ… Anh Tú ở số nhà 337 Giảng Võ cho biết, lưu lượng người đi bộ sang 2 bên đường không nhiều, hơn nữa do chỗ đặt cầu vượt gần với đèn đỏ dẫn tới việc người dân đợi tín hiệu đèn giao thông để qua đường.
 
TS Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải cho biết, trong nội thành rất cần những cây cầu bộ hành để hạn chế tình trạng và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của những cây cầu này phải đặt đúng vị trí, nơi người dân có nhu cầu thực sự. “Việc xây lắp và thiết kế những cây cầu đường bộ ở Hà Nội hiện nay thường đường đặt vào những vị chí dễ xây dựng, không phải giải phóng mặt bằng nhiều. Đó chính là một trong những lý do khiến những cầu bộ hành đã đưa vào sử dụng không phát huy được hiệu quả”, TS Hùng nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội Ngô Quý Tuấn lại cho rằng, những cây cầu bộ hành đặt ở vị trí, tuyến đường nào là do đề xuất của các quận. “Về nguyên tắc để đảm bảo an toàn giao thông thì bất cứ nút giao thông nào cũng phải có cầu dành cho người đi bộ qua đường. Do vậy, không thể nói thời điểm này ít người qua đường bằng cầu mà dẫn tới tình trạng lãng phí. Bởi vì những cây cầu bộ hành này sẽ nằm trong tổng thể quy hoạch giao thông của Thành phố sau này”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn còn khẳng định, việc bố trí cầu ở vị trí nào cũng đã được Sở ngành nghiên cứu kỹ, Ban quản lý không tự ý đặt những cây câu ở vị trí đó.
 Quang Phong