Dành vụ án oan 10 năm cho phiên chất vấn Chánh án TAND tối cao

(Dân trí) - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Đoàn thư ký kỳ họp đã tổng hợp ý kiến đại biểu, “chốt” danh sách Bộ trưởng Nội vụ, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Thông tin-Truyền thông, Thủ tướng và Chánh án TAND tối cao trả lời chất vấn tuần tới.

Dành vụ án oan 10 năm cho phiên chất vấn Chánh án TAND tối cao
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình (áo trắng) sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội tuần tới (ảnh: Việt Hưng).

Đây là các Bộ trưởng, trưởng ngành được chọn từ danh sách gợi ý Đoàn thư ký kỳ họp gửi xin ý kiến các đại biểu trước đó. Cụ thể, trong số 4 Bộ trưởng đưa ra gồm, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân và Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, Bộ trưởng Nguyễn Quân được ít đại biểu chọn nhất.

Theo đó, Đoàn thư ký kỳ họp đã chốt phương án chưa đưa Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ vào danh sách chất vấn lần này.

Các nhóm vấn đề chất vấn với mỗi Bộ trưởng, trưởng ngành cũng giữ nguyên như dự kiến Đoàn thư ký đưa ra xin ý kiến các đại biểu. Trong đó, nội dung đối với Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có vấn đề liên quan đến vụ án oan 10 năm với ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang vừa qua. Ông Phúc phán đoán, các đại biểu sẽ hỏi về vấn đề này khi nói đến vấn đề kết quả giải quyết án Tái thẩm, Giám đốc thẩm của TAND tối cao cũng như việc nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của tòa, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Ngoài Chánh án tòa tối cao và 3 Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, Cao Đức Phát, Nguyễn Bắc Son, theo thông lệ, trong kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ đăng đàn để báo cáo, làm rõ các nội dung trong công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu. Đến thời điểm này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, có 5 câu hỏi của đại biểu gửi đến Thủ tướng về nhiều vấn đề khác nhau.

Thủ tướng sẽ là người “chốt” phiên chất vấn vào chiều 21/11 (thứ 5 tuần tới). Buổi sáng thứ 3 (19/11), trước khi bước vào nội dung chất vấn với bộ trưởng đầu tiên, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5 và dành thời gian thảo luận về kết quả thực hiện lời hứa này của các Bộ trưởng, trưởng ngành.

Trao đổi thêm với báo giới về vấn đề chọn người trả lời chất vấn khi danh sách gợi ý không có các Bộ trưởng của những lĩnh vực đang xảy ra nhiều sự kiện nóng mà dư luận đặc biệt quan tâm như lĩnh vực y tế, tài chính, tài nguyên môi trường… ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, theo tập hợp chất vấn của đại biểu gửi đến trước đó, các Bộ trưởng này nhận được ít câu hỏi của đại biểu hơn so với những Bộ trưởng trong danh sách gợi ý. Ngoài ra, việc chọn đại biểu cũng cần xem xét, cân đối giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tư pháp, tạo điều kiện để các Bộ trưởng chưa từng đăng đàn có cơ hội trình bày về lĩnh vực hoạt động của mình trước Quốc hội.

Trả lời câu hỏi về việc phiếu xin ý kiến đại biểu lần này không có mục “Ý kiến khác” để các đại biểu đề xuất thêm người trả lời chất vấn khiến nhiều đại biểu lúng túng và đành tự viết thêm yêu cầu của mình vào cuối phiếu, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dù vậy, các ý kiến viết thêm vẫn được tập hợp, ghi nhận. Cụ thể, các Bộ trưởng Y tế, Tài chính, Công thương, Tài nguyên-Môi trường… đều nhận được đề xuất chọn chất vấn nhưng số lượng chỉ một vài phiếu.

P.Thảo

Dòng sự kiện: Án oan và bao nỗi đau