Đánh giá kỳ thi THPT quốc gia 2019 thành công: Chờ kết quả cuối cùng đã!

(Dân trí) - Phát biểu trước Chính phủ, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia 2019 vừa diễn ra nghiêm túc, an toàn, thành công. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xác nhận, sơ bộ, kỳ thi được xem là an toàn nhưng còn cần chờ xem kết quả cuối cùng thế nào để đánh giá.

Chiều 4/7, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ được dành thời gian phát biểu, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội nửa đầu năm 2019.

Đánh giá kỳ thi THPT quốc gia 2019 thành công: Chờ kết quả cuối cùng đã! - 1

Các thành viên Chính phủ tham gia hội nghị Chính phủ với các địa phương tại điểm cầu Hà Nội .

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề cập trước hết về kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra 10 ngày trước.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ GD-ĐT vừa hoàn thành nhiệm vụ lớn của năm, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, sát sao cùng địa phương tổ chức thi THPT quốc gia. Dự kiến 14/7 tới cả nước sẽ công bố kết quả thi.

“Kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, an toàn, thành công. Chúng tôi sẽ lưu ý việc tiếp tục chấm thi và bảo quản kết quả thi một khách quan, an toàn để đảm bảo thành công trọn vẹn của kỳ thi” – Bộ trưởng trình bày.

Trước đó, phần thảo luận buổi sáng của các địa phương, lãnh đạo tỉnh Hà Giang, một trong ba điểm nóng gian lận trong kỳ thi năm 2018 cũng báo cáo về việc tổ chức kỳ thi năm nay tại địa bàn. Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh này khẳng định Hà Giang đã tổ chức tốt kỳ thi và khắc phục tồn tại của kỳ thi năm trước.

“Kỳ thi năm nay thực sự an toàn và đảm bảo đúng quy chế thi” – Chủ tịch tỉnh Hà Giang quả quyết.

Cũng đề cập tới kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến báo cáo “trên địa bàn tỉnh, kỳ thi diễn ra an toàn, không có gì vướng mắc xảy ra”.

Khái quát chung, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: “Học sinh cả nước vừa trải qua kỳ thi được xem là an toàn nhưng việc đánh giá còn cần chờ xem kết quả cuối cùng thế nào”.

Báo cáo về nội dung khác, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói về việc chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với khối lớp 1 năm học 2019-2020, theo kế hoạch đề ra trong Nghị quyết 88 của Quốc hội. Hiện Bộ Giáo dục đang cố gắng lựa chọn những bộ sách tốt nhất để phục vụ chương trình.

Bộ cũng đang đôn đốc các tỉnh thành xây dựng nội dung của địa phương mình theo khung chương trình đã đề ra.

Để chuẩn bị, Bộ Giáo dục bố trí 23.000 giáo viên cho 17 tỉnh (5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh có sự tăng trưởng nóng về học sinh), rà soát thực trạng đội ngũ giáo viên trên và ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên theo chương trình mới.

Liên quan đến môi trường học đường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, do quyết tâm cao vừa qua, tình trạng bạo lực có xu hướng giảm. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Thực hiện đề án xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh là giải pháp, theo Bộ trưởng, các địa phương cần tiếp tục quan tâm.

Lãnh đạo ngành Giáo dục cũng mong muốn lãnh đạo các bộ và địa phương quan tâm việc thực hiện tự chủ giáo dục. Theo ông Nhạ, trong tổng số 235 đại học hiện nay, ngoài gần 40 trường công an, quân đội vận hành theo cơ chế riêng, còn khoảng 200 trường sẽ phải chuyển sang tự chủ. Trong quá trình này,  lãnh đạo cơ quan chủ quản các trường cần kiểm tra điều kiện tự chủ, kiện toàn thiết chế Hội đồng trường, chọn người thực sự có năng lực, trách nhiệm để tránh hiện tượng, sự hiện diện của cơ quan chủ quản trong hội đồng trường hạn chế, hình thức.

Bộ trưởng Nhạ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các trường thuộc quyền quản lý của mình rà soát, sắp xếp để tránh hiện tượng kém chất lượng kéo  dài.

P.Thảo