1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đằng sau tiếng kêu cứu của "Đại bàng biển"

(Dân trí) - Trước việc các thuyền viên tàu Sea Eagle kêu cứu vì nhiều tháng không được trả lương, thiếu điện, thiếu lương thực nghiêm trọng và đang bị mắc kẹt tại Trung Quốc, Vinashinlines “trần tình” rằng chưa có nguồn tiền nào trả các thuyền viên.

Liên tục kêu cứu
 
Theo thông tin mới nhất, sau khi các thuyền viên tàu Sea Eagle kêu cứu việc đang mắc kẹt tại Trung Quốc với hoàn cảnh vô cùng khó khăn, tiếp tục có một đơn kêu cứu của ông Nguyễn Thanh Hải - Phó 3 tàu Hoa Sen, đại diện tập thể thuyền viên tàu Hoa Sen thuộc Công ty vận tải biển viễn dương Vinashinlines - Vinalines gửi các cơ quan báo chí và các cơ quan chức năng.

Theo đó, ông Hải cho biết Tàu Hoa Sen neo đậu tại vùng biển thuộc quản lý của Nhà máy Xinya - Trung Quốc từ tháng 12/2011 và đã ngừng hoạt động. Các thuyền viên trên tàu cũng bị nợ lương từ 9 đến 11 tháng trong tổng số 13 tháng xuống tàu. 

Các thuyền viên tàu Sea Eagle đang mắc kẹt tại Trung Quốc.
Các thuyền viên tàu Sea Eagle đang mắc kẹt tại Trung Quốc.

Đặc biệt, hiện trên tàu thiếu lương thực, thiếu điện và thuốc men nghiêm trọng. Một số thuyền viên mắc các bệnh ngoài da, đường ruột… trong khi toàn bộ thuốc men trên tàu đều quá hạn và không còn kể  từ khi tàu dừng hoạt động.

“Chúng tôi đã gửi đơn xin về, nhưng công ty không đáp ứng vì nói hiện tại kinh tế của công ty đang gặp khó khăn. Một số thuyền viên đã liên lạc về gia đình gửi tiền sang để thuyền viên tự bỏ chi phí về nước, nhưng công ty cũng không đồng ý. Toàn bộ hộ chiếu của thuyền viên đều bị đại lý hàng hải của công ty giữ", ông Hải cho biết.
 
Công ty... hết tiền

Liên quan đến việc 9 thuyền viên tàu Sea Eagle kêu cứu, ông Nguyễn Quế Dương - Tổng giám đốc Vinashinlines cho biết: Phía công ty Vinashinlines đã biết thông tin về hoàn cảnh hiện tại cũng như nguyện vọng của các thuyền viên đang mắc kẹt tại Trung Quốc. Thế nhưng, hiện công ty đang rất khó khăn. Công ty Vinashinlines cũng đang rất tất bật để lo giải quyết với chủ nợ bên Singapore để phía chủ nợ giải phóng tàu Cái Lân 4 đang bị "giam lỏng" bên Ấn Độ. Vì vậy, Công ty hiện không có nguồn tiền nào để trả cho các công nhân đang kêu cứu. Tuy nhiên, công ty đang gửi công văn báo cáo lên các cấp có thẩm quyền để xin hướng xử lý.

Trước đó, trong đơn kêu cứu gửi báo điện tử Dân trí, anh Chu Trọng Cường - thuyền phó 2 tàu Sea Eagle thuộc Cty TNHH MTV vận tải Viễn dương Vinashinlines - cho biết: “Chúng tôi gồm 9 thuyền viên trên tàu Sea Eagle sang nhận công tác từ ngày 23/8/2011 (với thời hạn hợp đồng là 10+1 và sẽ chấm dứt hợp đồng ngày 30/6/2012). Cho đến hết tháng 10/2012, đã là 14 tháng 7 ngày. Trong đó 5 người là thuyền viên đánh thuê bên ngoài và 4 người ký hợp đồng dài hạn với công ty. Với từng ấy thời gian mà công ty mới trả cho chúng tôi 7 ngày tiền lương tháng 8 năm 2011.

Đối với những người trong công ty được công ty thanh toán thêm tháng 3; những người ngoài như tôi và bốn anh em khác thì không có vì không được đóng bảo hiểm nên ngân hàng không giải ngân theo cách giải thích của công ty”.

Anh Cường cho biết thêm, về phần đời sống thuyền viên trên tàu thì vô cùng khó khăn, điện sinh hoạt vô cùng khan hiếm vì công ty không thể cấp dầu D.O trong nhiều tháng qua. Hơn nữa vài tháng gần đây, công ty liên tục chậm tiền ăn khiến các anh luôn trong tình trạng ăn bữa sáng lo bữa chiều. Có thời gian tàu vào cầu tránh bão, các anh phải đi hái rau ngải, rau sam,... và đi bắt cáy ven bờ làm thức ăn, rất thê thảm.

Theo đơn kêu cứu của anh Cường, tàu Sea Eagle là một con tàu  lớn với trọng tải hơn 65.000 tấn của công ty TNHH Một Thành Viên Vận Tải Biến Viễn Dương Vinashinlines, nhưng hiện tàu nằm bất động tại LongShan ShipYard có địa chỉ : Liu-heng island, Zhoushan, Zhenjiang (Trung Quốc) từ năm 2008 cho đến nay.
 
Nhiều tàu của Vinashinlines đang leo đậu tại Trung Quốc.
Nhiều tàu của Vinashinlines đang neo đậu tại Trung Quốc.

“Theo ghi chép trên tàu thì từ tháng 3/2011 cho đến nay, tàu không hề được sửa chữa bất cứ một bộ phận nào. Cũng chính vì vậy mà tàu không còn khả năng hoạt động. Vì thế chúng tôi, những thuyền viên đang làm việc trên tàu, đang phải chịu đựng muôn ngàn khó khăn cả về vật chất lẫn đời sống tinh thần. Trong hoàn cảnh sống khó khăn như vậy chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu công ty thay thuyền viên để chúng tôi được trở về nhưng tất cả cũng chỉ là lời hứa cả về việc thanh toán lương lẫn việc thay thuyền viên”, anh Cường cho biết.

Anh Cường thay mặt cho 9 thuyền viên đang mắc kẹt mong muốn: Chính Phủ, các bộ, ban ngành chức năng hãy tạo điều kiện cho công ty TNHH MTV vận tải Viễn dương Vinashinlines được thanh lý những tàu không còn khả năng hoạt động để có thể duy trì các tàu còn khả năng hoạt động. Vì một điều hiển nhiên rằng các tàu không còn khả năng hoạt động để sinh lời này càng để lâu công ty sẽ càng kiệt quệ. Theo như các anh biết, hiện nay có đến 3/4 tàu của công ty đang trong tình trạng nằm neo đậu hoặc chờ sửa chữa hoặc không thể khai thác được; hàng tháng công ty phải chi những khoản tiền không nhỏ để trông coi tài sản. 

Càng để các con tàu này nằm lâu thì số tài sản đó càng dần mất đi. Ví dụ như tàu Sea Eagle đang neo đậu, tiền chi phí cảng và tiền sửa chữa đã vượt quá giá trị của con tàu.  

“Trên đây trình bày về cuộc sống khó khăn của chúng tôi trên tàu, đồng thời bày tỏ những suy nghĩ thực tế của tôi. Tôi mong rằng công ty VINASHINLINES nói riêng và các cơ quan có chức năng nói chung sẽ sớm tìm ra giải pháp thích hợp để công ty được phục hồi, để quyền lợi của chúng tôi được đảm bảo, để chúng tôi được trở về quê hương . Đó là mong muốn lớn nhất của chúng tôi”, anh Cường bày tỏ.

Được biết, công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines) thành lập tháng 8 năm 2000, trước đây thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin. Khoảng tháng 7/2010, công ty này được chuyển sang cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), khi Chính phủ tiến hành cơ cấu lại tập đoàn Vinashin. Với lĩnh vực hoạt động chính là vận tải biển, Vinashinlines khai thác đội tàu nhiều chủng loại, nhiều cỡ tàu, gồm tàu chở hàng khô, tàu chở dầu, tàu khách, tàu lash và tàu container.

Hiện Công ty Vinashinlines đang còn 6 tàu neo tại các vùng biển Trung Quốc và 2 tàu đang chở hàng tại Ấn Độ. Mỗi tháng, tính toàn bộ chi phí cho 16 con tàu của công ty đang phải tiêu tốn mất khoảng 10 tỉ đồng.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm