Đang điều tra nghi án 11 đứa trẻ “biến mất” khỏi chùa Bồ Đề
(Dân trí) - Liên quan đến vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, cơ quan CSĐT vừa nhận được đơn đề nghị điều tra về sự "biến mất" của một số trẻ trong chùa; làm sáng tỏ những nghi vấn của các thiện nguyện viên thường xuyên hoạt động từ thiện tại chùa.
Trong đơn có đề nghị điều tra, làm rõ việc 11 cháu bé trong chùa bỗng dưng “biến mất” trong khoảng thời gian từ tháng 8/2007 đến năm 2012.
Những thiện nguyện viên đứng tên viết đơn đề nghị điều tra cũng khẳng định có các bằng chứng về sự “biến mất” khó hiểu của một số bé đang được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội.
Lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận đơn, cơ quan chức năng đã vào cuộc để xác minh nguồn đơn, điều tra, làm rõ những nội dung trong đơn. Để mở rộng điều tra, cơ quan công an đã "triệu tập" sư thầy Thích Đàm Lan - Trụ trì chùa Bồ Đề và nhiều người liên quan để lấy lời khai.
Theo đó, đơn đề nghị điều tra về việc 11 trẻ em “biến mất” tại chùa Bồ Đề do ông Nguyễn V.L., bà Nguyễn Thị B.N. và bà Lý Thúy Q. trình báo. Đây là những ông bà đã có quá trình tham gia từ thiện thường xuyên tại chùa Bồ Đề trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2012. Sau này, do vấn đề cá nhân và thấy nhiều dấu hiệu nghi vấn, mọi người đã không sang chùa Bồ Đề nữa.
Theo bà N., ngày 19/7, bà quay lại chùa Bồ Đề thì phát hiện trong chùa đã vắng mặt một số cháu mà trước đây bà đã từng chăm sóc, giúp đỡ. Ngoài ra, mọi người cũng nghi vấn về cách đặt trùng tên khó kiểm soát tại chùa. Những cái tên Tùng Anh, Việt Anh, Hồng Anh, Tuấn Anh, Minh Anh… được đặt đi đặt lại. Khi các cháu mang tên này "biến mất" thì lại có các cháu mới vào chùa được đặt theo tên đó.
Số lượng các cháu tại chùa mà sư trụ trì chùa Bồ Đề cung cấp trên báo chí hoặc cho các đơn vị đến làm thiện nguyện có nhiều mâu thuẫn, bất hợp lý, không đồng nhất. Số lượng các cháu không biến động theo số lượng mà nằm trong khoảng từ 100 – 150 cháu bao gồm độ tuổi sơ sinh và từ 1-5 tuổi.
Danh sách 11 cháu bé mà các thiện nguyện viên yêu cầu điều tra, làm rõ sự “biến mất” (trong ảnh, lần lượt từ trái sang phải và từ trên xuống dưới)
1. Bé Tùng Anh (biệt danh là Khoai), được chùa Bồ Đề nhận và nuôi dưỡng vào cuối tháng 8/2007 khi chưa rụng dây rốn. Đến khoảng tháng 1/2008, Tùng Anh bỗng dưng mất tích, hiện không còn ở chùa.
2. Bé Việt Anh được nhận vào chùa khoảng tháng 10/2007. Ngoài ra cùng thời điểm còn có bé Tùng Anh và Hùng Anh. Hùng Anh giờ vẫn ở chùa và là học sinh lớp 2 tại trường Tiểu học Bồ Đề. Tháng 5/2009, xác định bé Việt Anh không còn ở chùa Bồ Đề nữa.
3. Bé Minh Anh: Năm 2007, bé Minh Anh được gần 1 tuổi. Đến năm 2012, khi các thiện nguyện viên quay lại chùa thì không còn thấy bé Minh Anh nữa.
4. Bé Duy Anh: Được đón nhận và nuôi dưỡng vào chùa Bồ Đề năm 2009. Tháng 7/2014, khi thiện nguyện viên quay lại chùa thì không còn gặp lại bé nữa.
5. Bé Bảo Anh: Được chùa Bồ Đề đón nhận để nuôi dưỡng vào năm 2009. Đến tháng 7/2014, mọi người bất ngờ phát hiện cháu Bảo Anh đã “biến mất”.
6. Bé Mai Anh: Năm 2009, Mai Anh được đón nhận vào nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề. Đến ngày 19/7/2014, mọi người đã phát hiện Mai Anh cũng không còn ở chùa nữa.
7. Bé Vi Anh: Cháu được chùa Bồ Đề tiếp nhận năm 2009. Đến ngày 19/7/2014 khi các thiện nguyện viên quay lại chùa thì không còn thấy cháu Vi Anh ở chùa nữa.
8. Bé Huy Anh vào chùa năm 2012. Đến ngày 19/7/2014, mọi người quay lại thì không còn gặp lại Huy Anh nữa.
9. Bé Cù Triều Anh: Vào chùa từ tết năm 2010. Nhưng cháu Triều Anh đã “biến mất” vào nửa cuối năm 2011.
10. Bé Tuấn Anh: Bé được nhận vào chùa năm 2007, vào trước thời điểm Tùng Anh và Hùng Anh, Việt Anh được nhận nuôi. Năm 2014 khi chị Bích Ngọc quay lại chùa Bồ Đề đã không thấy bé ở chùa nữa.
11. Bé Cù Hoàng Anh: được đón nhận và nuôi dưỡng ở chùa năm 2010. Bà Bùi Vân Khánh Linh thường xuyên sang chùa, chăm sóc và bồi dưỡng thêm tiền cho các cô chăm bé. Tuy nhiên, đến đầu năm 2012, Hoàng Anh bỗng dưng biến mất.
Ngay sau khi vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề bị phanh phui, T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã cử đoàn công tác làm việc với sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề. Trao đổi với PV Dân trí, Thượng toạ Thích Đức Thiện - Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh Văn phòng 1 - Trung ương GHPGVN cho biết, sau khi tiếp nhận những thông tin về vụ việc, GHPGVN đã cử đoàn công tác sang chùa Bồ Đề làm việc với sư thầy Đàm Lan xung quanh việc nuôi giữ trẻ và các hoạt động khác liên quan đến vụ việc. Thượng tọa Thích Đức Thiện GHPGVN đã yêu cầu nhà chùa cần hoạt động theo đúng quy định của pháp luật nói chung và quy định, điều lệ đã ban hành đối với tăng ni. Hiện GHPGVN đang chờ kết quả từ Cơ quan điều tra và các cấp chính quyền để đưa ra hướng giải quyết cụ thể đối với chùa Bồ Đề cũng như sư thầy Đàm Lan. "GHPGVN cũng đã ban hành văn bản, thông tư đến các Ban Trị sự, từng Giáo hội các tỉnh trên cả nước yêu cầu rút kinh nghiệm; yêu cầu tất cả các chùa phải rà soát, đăng ký, kê khai những trẻ được bảo trợ và chưa được bảo trợ theo quy định của pháp luật", Thầy Thiện cho biết. Hiện chùa Bồ Đề đang vào “trường hạ” nên có rất nhiều tăng ni theo học và tu tập. Ngoài việc phối hợp với CQĐT để làm rõ về việc mua bán trẻ em thì hoạt động phật sự tại chùa dịp Vu Lan vẫn diễn ra bình thường. Quang cảnh chùa Bồ Đề sau những ngày sự việc bị phanh phui. |
Quốc Đô