1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bí ẩn nhiều trẻ trùng họ tên biến mất kỳ lạ ở chùa Bồ Đề

Hầu hết các trẻ được nuôi dưỡng ở chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) đều mang họ Cù, Kiều, tên Anh. Nhiều trẻ họ tên trùng nhau hoàn toàn, khác mỗi năm sinh. Một nhóm thiện nguyện phát hiện một số trẻ có họ tên giống nhau nhưng lại khác nhau về tuổi và... biến mất kỳ lạ.

Khu Nhà Mở nuôi dưỡng các cháu bé bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Khu Nhà Mở nuôi dưỡng các cháu bé bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Họ tên giống nhau và những sự “biến mất" kỳ lạ

Trước khi vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề bị cơ quan điều tra phanh phui, một nhóm người từng tham gia làm công tác thiện nguyện thường xuyên tại chùa Bồ Đề từ tháng 8/2007 đến tháng 9/2012 đã phát hiện nhiều uẩn khúc trong việc chăm nuôi trẻ ở đây.

Đơn đề nghị điều tra gửi tới cơ quan chức năng của nhóm thiện nguyện này đã xâu chuỗi các sự kiện và tổng hợp hình ảnh, thông tin cũ đối chiếu với các thông tin mới mà báo chí đăng tải thời gian gần đây. Qua đó, họ tố cáo có ít nhất 11 trẻ mà họ biết từng sống ở chùa nay đã “biến mất”.

Trung tá Nguyễn Cao Khải (Đội phó Đội 12, Phòng CSHS Công an Hà Nội) xác nhận, cơ quan này đã nhận được đơn của nhóm thiện nguyện. Cơ quan điều tra đã mời các nhân chứng cũng như sư trụ trì Thích Đàm Lan đến làm việc. Cơ quan này vẫn đang điều tra mở rộng vụ án.

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, một thành viên trong nhóm cho biết, ngày 19/7, chị quay lại chùa Bồ Đề, gặp lại cô H. (một người chăm sóc trẻ từ năm 2007 tới nay) để làm rõ các nghi vấn về sự “biến mất” của 11 cháu này, song sư trụ trì Thích Đàm Lan và những người trông coi ở chùa trả lời không giống nhau. Chị Ngọc khẳng định, có đầy đủ chứng cứ hình ảnh cũng như nhân chứng để chứng minh sự tồn tại của nhiều cháu bé từng ở chùa Bồ Đề nhưng nay không thấy.

Đơn cử trường hợp bé Tùng Anh (gọi thân mật là Khoai), chị Ngọc khẳng định có đủ bằng chứng (hình ảnh, ghi âm, nhân chứng gồm 10 người là bạn thân, đồng nghiệp cũ, nhóm thiện nguyện của chị) có thể đứng ra chứng minh cháu Tùng Anh được chùa Bồ Đề nhận vào cuối tháng 8/2007, khi cháu còn chưa rụng rốn.

Đến tháng 1/2008, cháu “biến mất” khỏi chùa. Khi họ hỏi thì sư cô nói rằng, cháu được mẹ ruột đón về. Nhóm thiện nguyện xin cung cấp các chứng cứ, giấy xét nghiệm ADN, địa chỉ mẹ ruột cháu nhưng nhà chùa không cho.

Trong khi đó, sư trụ trì Thích Đàm Lan trả lời một tờ báo vào tháng 2/2008 có nói chùa mới chỉ trả duy nhất 1 trường hợp về mẹ đẻ và bé này đã 8 tuổi.

 Hoặc như trường hợp bé Kiều Minh Anh. Năm 2013, cháu có trong bản danh sách ở chùa được chính sư Đàm Lan ký xác nhận. Nhóm thiện nguyện gặp bé Minh Anh vào năm 2007.

Đến năm 2012, bé Minh Anh không còn ở chùa. Khi hỏi thì họ nhận được câu trả lời, Minh Anh được cô Cúc (một cô chăm sóc trẻ ở chùa) đưa về quê nuôi. Mới đây, nhóm thiện nguyện đến đây hỏi lại chuyện cũ, sư cô lại nói rằng, mẹ đẻ cháu đến đón đưa về tận Kiên Giang.

Nhóm thiện nguyện còn nêu tên và hình ảnh của rất nhiều cháu bé biến mất mà nhà chùa không hề có câu trả lời rõ ràng. Để chứng minh “nói có sách, mách có chứng”, những người tố cáo còn thu thập danh sách các trẻ qua từng năm tại chùa Bồ Đề.

Đối chiếu danh sách cho thấy, số lượng trẻ em thay đổi liên tục qua các năm. Không những thế, nhiều cái tên đã bị xóa rất khó hiểu, thay vào là những tên khác.

Phần lớn các trẻ trong danh sách mang họ Cù và họ Kiều. Tên xuất hiện nhiều nhất là “Anh”. Theo đó, các trẻ em mang họ tên na ná nhau như: Cù Đức An, Cù Đức Anh, Cù Dũng Anh, Cù Phúc Anh, Cù Quang Anh; Kiều Lan Anh, Kiều Nga Anh, Kiều Ngọc Anh, Kiều Ngân Anh...

Thậm chí, rất nhiều cháu có họ tên trùng nhau hoàn toàn, chỉ khác mỗi năm sinh như Cù Quân Anh (2012) và Cù Quân Anh (2013); Cù Tiến Anh 2011 và 2013. Theo nhóm thiện nguyện, với cách đặt tên đó, nếu ai không sang chùa thường xuyên hoặc không gặp các trẻ từ thời gian đầu (khoảng những năm 2007, 2008) đến nay, không thể phát hiện ra sự biến mất của các cháu.

Với những dấu hiệu bất thường trên, nhóm thiện nguyện đề nghị cơ quan công an điều tra, làm rõ sự thật. Họ rất muốn biết được số phận của các cháu giờ ra sao, cuộc sống có đảm bảo an toàn không?

Hai đoàn thanh tra làm việc tại chùa Bồ Đề

Ngày 6/8, hai đoàn thanh tra liên ngành, trong đó có Hội Phụ nữ và Sở LĐ-TB&XH Hà Nội bắt đầu cuộc thanh, kiểm tra tại chùa Bồ Đề. Đoàn Thanh tra làm việc rất chặt chẽ tại khu vực Nhà Mở, nơi đang nuôi dưỡng trẻ. Tại đây, an ninh được thắt chặt và những người lạ không được tiếp cận. Khu vực được thanh tra cũng bị phong toả để phục vụ cho công tác thanh kiểm tra.

Dự kiến, việc thanh kiểm tra kéo dài trong một tuần. Sau khi có kết quả điều tra, hai đoàn sẽ có những phương án, kiến nghị về đối sách với những cháu nhỏ mồ côi, lang thang cơ nhỡ tại chùa Bồ Đề hoặc giao cho các cơ quan chức năng quản lý.

Trước đó, tại thời điểm kiểm tra vào tháng 5/2014, tại chùa Bồ Đề có 146 người (trong đó có 106 trẻ). Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có một số văn bản gửi UBND quận Long Biên đề nghị phối hợp với chính quyền địa phương, với nhà chùa để lập danh sách phân loại trẻ để đưa vào các trung tâm bảo trợ. Các trung tâm bảo trợ xã hội của TP Hà Nội hoàn toàn có đủ khả năng tiếp nhận các trẻ đó.

Theo Tuấn Nguyễn – Lê Dương

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm