"Đảng bổ nhiệm sai người, dân không phục sẽ mất niềm tin!"
(Dân trí) - Đảng bổ nhiệm sai người, dân không phục thì sẽ mất niềm tin với Đảng. Vì vậy, hơn lúc nào hết, công tác cán bộ phải thực sự chí công vô tư, làm tốt, không sai sót trong từng khâu.
Đó là ý kiến góp ý về công tác nhân sự trong Đại hội Đảng XIII sắp tới của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – ĐH Quốc gia Hà Nội.
Phóng viên: Thưa Giáo sư, ông có đánh giá gì về thế hệ cán bộ trẻ hiện nay. Điểm chung của họ là gì?
GS.TS Nguyễn Đình Đức: Với các thế hệ trước đây, các cán bộ chủ chốt chủ yếu được đào tạo, bồi dưỡng và trưởng thành từ kinh nghiệm thực tiễn.
Ngày nay, các cán bộ trẻ đều được đào tạo rất bài bản, nhiều người đã có thời gian học tập hoặc tu nghiệp, bồi dưỡng ở nước ngoài nên có khả năng hội nhập cao.
Thế hệ trẻ ngày nay nói chung, trong đó có các cán bộ trẻ đều rất năng động, nắm bắt và thích ứng nhanh với những đổi mới và tiến bộ của Khoa học kỹ thuật, mặt khác, sống trong nền kinh tế thị trường mở cửa nên theo tôi, cũng “thực tế” hơn.
Phóng viên: Giai đoạn chuyển giao thế hệ sắp tới, có nhiều ý kiến lo lắng về cán bộ trẻ khi họ đang được tiếp cận với những thể chế chính trị khác nhau dễ nảy sinh sự biến đổi về tư tưởng? GS có bình luận gì về sự băn khoăn lo lắng này?
GS.TS Nguyễn Đình Đức: Sự lo lắng băn khoăn này là có cơ sở. Bởi vì nhận thức là quá trình, trên cơ sở nền tảng kiến thức, lý trí, trải nghiệm đúc rút từ thực tiễn, từ các nguồn thông tin khác nhau và mỗi cá nhân tiếp thu sàng lọc những phản ánh từ hiện thực của thế giới khách quan.
Sự biến đổi nhận thức là tổng hòa của những nhân tố như vậy và có tính tất yếu. Trong khi thế giới và hiện thực khách quan đang hàng ngày hàng giờ thay đổi mà nhận thức không thay đổi thì đó là duy ý chí.
Vì vậy, để thế hệ trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trước hết chúng ta phải xây dựng được cho thế hệ trẻ một lý tưởng và niềm tin vào Đảng, vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Theo tôi ngày nay, không chỉ giữ gìn sự đoàn kết nhất trí - mà chúng ta còn phải giữ được niềm tin của nhân dân (trong đó có thế hệ trẻ) vào Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Như vậy, Đảng phải không ngừng đổi mới. Các cán bộ của Đảng phải thực sự tiên phong, dám nghĩ, dám làm nhưng cũng dám chịu trách nhiệm về những thất bại và sai lầm (nếu có) trước nhân dân. Các cán bộ lãnh đạo phải thực sự là tấm gương của cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như Bác Hồ đã dạy.
Hai là, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã và đang đổi mới thành công. Nền kinh tế của Việt Nam đã ngày càng phát triển, không chỉ có vị thế trong nước mà còn có vị thế trong khu vực và quốc tế; xã hội công bằng – dân chủ - văn minh, đất nước ngày càng phồn vinh, nhân dân ngày càng hạnh phúc - đó chính là giá trị cốt lõi và minh chứng hùng hồn nhất và bền vững nhất để nhân dân và các cán bộ trẻ ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chúng ta phải tiếp tục phát huy hơn nữa trong thời gian tới.
Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta càng phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, phải tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lấy giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học kỹ thuật làm then chốt, coi đó là chiếc đũa thần để đất nước ta vươn lên sánh vai với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Ba là, phải xây dựng được thế hệ cán bộ trẻ có hoài bão thôi thúc chấn hưng đất nước. Bài học của Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy, từ đất nước suy tàn và kiệt quệ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng đã xây dựng được thế hệ thanh niên có lý tưởng và hoài bão khát khao chấn hưng đất nước.
Từ đó họ đã đi lên từ trí tuệ, từ khoa học kỹ thuật và chỉ sau vài thập kỷ, hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc đã trở thành cường quốc, thành “con rồng, con hổ” trong khu vực và thế giới.
Phóng viên: Sự chuyển giao là tất yếu, theo GS, điều quan trọng nhất đó là cần làm gì để công tác cán bộ không mắc sai lầm. Nhất là đã có những bài học đau xót về việc các cán bộ trẻ đã đỏ mà không chín?
GS.TS Nguyễn Đình Đức: Đã có nhiều ý kiến xung quang vấn đề này, tập trung vào 4 giải pháp là không ngừng bồi dưỡng giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng và mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân; đẩy mạnh phê bình và tự phê bình và tăng cường kiểm tra giám sát của Đảng. Tôi hoàn toàn nhất trí và đồng tình với những giải pháp này.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ. Niềm tin của nhân dân với Đảng trước hết ở công tác tổ chức cán bộ của Đảng.
Đảng bổ nhiệm sai người, dân không phục thì sẽ mất niềm tin với Đảng. Vì vậy, hơn lúc nào hết, công tác cán bộ phải thực sự chí công vô tư, làm tốt, không sai sót trong từng khâu: phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ.
Đất nước đang đứng trước rất nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Vì vậy, để gánh vác sứ mệnh trọng trách, cần có nhân tài. Để sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thành công, trong nhiệm kỳ tới, Đảng phải phát hiện và trọng dụng được nhiều nhân tài.
Tuy nhiên, nhân tài thì thường có cá tính. Nếu lãnh đạo tổ chức chỉ sử dụng những người dể bảo dễ nghe, không có tâm và niềm tin, không mạnh dạn sử dụng được nhân tài thì tổ chức không phát triển được.
Phóng viên: Công tác quy hoạch cán bộ là cần thiết. Nhưng có cán bộ được quy hoạch rồi thì sẽ ăn chắc làm quan nên gắng giữ mình sao cho “tròn vo”, tâm lý ngại đổi mới, ngại va chạm, và vì vậy nên không phát tiết được tài năng và cống hiến. Vì vậy, bên cạnh quy hoạch, cần đổi mới cơ chế nào thưa GS?
GS.TS Nguyễn Đình Đức: Đó là cơ chế bổ nhiệm. Việc đột phá phát hiện nhân tài để bổ nhiệm và tin tưởng giao trọng trách (như Bác Hồ đã từng phát hiện và tin tưởng, bổ nhiệm nhân tài trong những ngày đầu thành lập nước) là rất quan trọng. Đây cũng là động lực để nhân tài được phát hiện và nảy nở từ quần chúng.
Để tránh mắc sai lầm, nóng vội, bè cánh, lợi ích nhóm, thì công tác cán bộ phải khách quan, dân chủ, công tâm, minh bạch và không thể chỉ là công tác của Đảng, mà còn phải có sự tham gia, giám sát của quần chúng.
Nhiều vụ việc tiêu cực đã được phát hiện không phải từ các cơ quan giám sát của Đảng, mà từ những phát hiện của quần chúng nhân dân. Do đó ngày nay, quần chúng phải tham gia, giám sát và đồng hành cùng với Đảng trong công tác cán bộ, trong tất cả các khâu từ phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đến sử dụng cán bộ.
Phải đẩy mạnh và đặc biệt chú trọng đào tạo cán bộ trẻ qua thực tiễn, đổi mới công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ. Quy hoạch và luân chuyển là chính sách và chủ trương rất đúng đắn. Nhưng cũng có những mặt hạn chế.
Một số cán bộ được bố trí luân chuyển, nhưng suốt quá trình quy hoạch luân chuyển chỉ ở vị thế làm “quan” mà chưa hòa đồng, đặt mình vào vị trí của người dân nên không thấu hiểu hết thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Hoặc có cán bộ được luân chuyển nhưng cũng đảm nhận trọng trách mới trong thời gian ngắn. Do đó, chưa đủ thời gian để thử thách năng lực, bản lĩnh, và tích lũy kinh nghiệm trong công tác.
Bên cạnh đó, nền tảng học vấn, kiến thức chuyên môn là tiêu chí vô cùng cần thiết đối với cán bộ được quy hoạch trong thời đại ngày nay, nhưng sự trưởng thành từ thực tiễn, rèn luyện thử thách đủ dài trong thực tiễn cũng là tiêu chí tối quan trọng với các cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là các cán bộ trẻ.
Các tiêu chí, cơ cấu quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nên có những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh của thời đại. Thời đại ngày nay là thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Thời đại ngự trị của khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
Tôi hy vọng trong nhiệm kỳ tới, cán bộ của Đảng, Quốc Hội sẽ có nhiều trí thức ưu tú, có đầy đủ năng lực chuyên môn cũng như năng lực lãnh đạo, trưởng thành từ thực tiễn, được Đảng và nhân dân tín nhiệm.
Xin trân trọng cám ơn Giáo sư!
Hồng Hạnh