1. Dòng sự kiện:
  2. Phá tòa "Hàm cá mập", cải tạo không gian quanh hồ Gươm

Dân xếp hàng từ 3h nộp hồ sơ đất, chính quyền mở mô hình trực tuyến

Thúy Diễm

(Dân trí) - Trước cảnh người dân vất vả xếp hàng từ 3h để nhận số nộp hồ sơ đất, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk phối hợp cùng các đơn vị triển khai mô hình tiếp nhận hồ sơ trực tuyến.

Thời gian gần đây, không khó để bắt gặp cảnh người dân xếp hàng từ sáng sớm trước cổng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố Buôn Ma Thuột (bộ phận một cửa) tỉnh Đắk Lắk, nhận số, chờ tới lượt nộp hồ sơ đất.

Thậm chí, để có "suất" nộp hồ sơ, nhiều người chấp nhận đến bộ phận một cửa xếp hàng từ 3h để mong được giải quyết thủ tục sớm nhất.

Dân xếp hàng từ 3h nộp hồ sơ đất, chính quyền mở mô hình trực tuyến - 1

Người dân chấp nhận xếp hàng từ 3h để nhận số thứ tự nộp hồ sơ đất (Ảnh: Trương Nguyễn).

Đứng xếp hàng hơn 1 giờ để lấy số thứ tự, ông An (51 tuổi, trú tại xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết, ông đến bộ phận một cửa của thành phố lúc 5h, nhưng ở đây đã xếp thành 2 hàng dài trước cổng.

Theo ông An, bộ phận một cửa 7h30 mở cổng nhưng ông đã dậy để đi sớm với mong muốn có số thứ tự trước nhưng không ngờ nhiều người còn đến sớm hơn.

"Hôm trước tôi đến đây khoảng 10h được thông báo không còn số, hôm nay quay lại sớm hơn nhưng lượng người vẫn rất đông. Tôi nộp hồ sơ làm thủ tục cho tặng đất đai cho con, hy vọng hôm nay sẽ không bị mất lượt", ông An nói.

Lúc 3h khi mọi người đang ngủ những người làm nghề môi giới bất động sản như anh Trường (37 tuổi), phải thức dậy, xếp hàng trong thời tiết lạnh để nộp hồ sơ cho khách. 

"Nhiều khi cảm thấy rất mệt nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ với khách hàng tôi mới an tâm. Thời gian này tôi chấp nhận phải dậy từ rất sớm do hồ sơ quá đông, chỉ cần đi trễ là không thể nào nộp được", anh Trường trao đổi.

Dân xếp hàng từ 3h nộp hồ sơ đất, chính quyền mở mô hình trực tuyến - 2

Hàng trăm người dân nộp hồ sơ đất đai tại bộ phận một cửa thành phố Buôn Ma Thuột (Ảnh: Chụp màn hình).

Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến việc người dân đổ xô làm giấy tờ đất do thông tin bỏ cấp huyện, sáp nhập xã, phường nên người dân đi làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để hoàn chỉnh giấy tờ.

Dù cơ quan chức năng thông tin về việc sổ đỏ đã cấp trước thời điểm thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính vẫn có giá trị sử dụng và việc đăng ký biến động hoặc thay đổi thông tin chỉ thực hiện khi người dân có nhu cầu. Tuy nhiên, do chưa thực sự an tâm nên người dân vẫn đua nhau đi làm các giấy tờ đất.

Để giúp người dân tiện lợi trong việc nộp hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk phối hợp với đơn vị chức năng thực hiện mô hình "Hỗ trợ, liên thông giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai giữa Tổ chức hành nghề công chứng - Văn phòng Đăng ký đất đai - Cơ quan thuế"; cung ứng dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai kể từ ngày 1/4.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Buôn Ma Thuột, cho biết, để người dân biết được việc đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến, đơn vị cho in 2.000 áp phích phát tại bộ phận một cửa và 2.000 áp phích để phát tại 19 xã, phường trên địa bàn.

Dân xếp hàng từ 3h nộp hồ sơ đất, chính quyền mở mô hình trực tuyến - 3

Chính quyền triển khai mô hình trực tuyến nhưng người dân vẫn muốn trực tiếp đi nộp giấy tờ (Ảnh: Trương Nguyễn).

Theo ông Mạnh, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 400 bộ hồ sơ chủ yếu là các thủ tục cho tặng, thừa kế quyền sử dụng đất. Riêng hồ sơ chuyển nhượng đất có, nhưng không đáng kể.

"Những ngày đầu triển khai việc nộp hồ sơ trực tuyến, chúng tôi chỉ nhận được khoảng 10 bộ hồ sơ. Phần lớn người dân vẫn chưa hiểu rõ, chưa an tâm liệu nộp trực tuyến có thành công hay không. Nhiều người còn có quan niệm tài sản là sổ đỏ phải cầm trong tay nộp trực tiếp, lấy phiếu hẹn cho an tâm nên vẫn có tình trạng xếp hàng từ sáng sớm chờ tới lượt", ông Mạnh nói.

Ông Mạnh cho biết thêm, với các hồ sơ nộp trực tiếp hay trực tuyến mỗi ngày, đơn vị có nhiệm vụ đồng bộ hóa dữ liệu ngay trong ngày. Do số lượng hồ sơ lớn, cán bộ, nhân viên của đơn vị tăng giờ làm, không nghỉ phép để đảm bảo xử lý các nhu cầu kịp thời cho người dân.