1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

ĐBSCL:

Dân sống nghề “bà cậu” héo hon mùa lũ muộn

(Dân trí) - Cuối cùng nước lũ cũng đã về tràn đồng nhưng trễ hơn mọi năm khoảng 1 tháng. Dù muộn nhưng người dân sống nghề “bà cậu” (nghề câu, lưới) vẫn thấy vui khi được chống xuồng ra đồng giăng câu, thả lưới bắt cá, dù rằng sản lượng đánh bắt không được như mọi năm.

Những ngày qua, PV Dân trí có dịp đi về những địa phương đầu nguồn của tỉnh An Giang và Đồng Tháp, chứng kiến cảnh tất bật của bà con sống nghề câu lưới. Một số hộ ở những cánh đồng nước ngập chưa sâu cũng hăng hái mang dớn ra đồng đặt xí chỗ…

Anh Hồ Văn Sông - khóm Vĩnh Chánh, phường Vĩnh Ngơn, TP Châu Đốc cho biết: “Nước ngoài đồng mới ngập đến đầu gối, tuy nhiên nước lũ đang lên nhanh nên tôi tranh thủ mang dớn ra đồng, chọn chỗ tốt để đặt. Dù lúc này, mỗi đêm cá vào dớn chỉ vài ký nhưng mình phải dành chỗ trước”.

Dân sống nghề “bà cậu” héo hon mùa lũ muộn - 1

Dù mực nước mới đến đầu gối, nhưng anh Hồ Văn Sông đã mang dớn ra đồng đặt để xí chỗ

Dọc theo cánh đồng xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, An Giang, nước ngập sâu hơn nên trên cánh đồng lũ hàng trăm luồng dớn đan xen đặt bắt cá dày đặt như ma trận. Nhiều xuồng câu, lưới… của các hộ dân tranh nhau thả lưới làm nhộn nhịp cả cánh đồng lũ. Tuy nhiên, khi hỏi thăm về số lượng cá, tôm đánh bắt được, nhiều nông dân lắc đầu, ngao ngán cho biết chỉ dư ăn chút đỉnh.

Ông Phạm Văn Tài ở ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc cho biết, mùa lũ năm nay ông đặt 20 tay dớn, tuy nhiên mỗi buổi đổ dớn chỉ vài ký cá linh. Theo ông Tài, nếu so với mọi năm, thời điểm này ông đánh bắt vài chục ký cá linh, bán từ 2 - 3 triệu đồng/ngày.

Dân sống nghề “bà cậu” héo hon mùa lũ muộn - 2

Ở cánh đồng Hồng Ngự mấy ngày qua nước về tràn động, người dân bắt đầu mang ngư cụ ra đánh bắt cá

Còn tại cánh đồng lũ huyện Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp), nông dân cũng hớn hở ra đồng đánh bắt cá. Dọc theo tuyến vành đai biên giới của ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự) có cả trăm hộ dân sống nghề “bà cậu”, đa số người dân nơi đây dùng lưới, dớn, lợp, lờ, lú... khai thác sản vật từ lũ. 

Ông Út Xớt – xã Thường Thới Hậu B, cho biết, ông đang bắt chì cho 15 tay lưới, mỗi tay dài 50m. Vì nước mới về, cá còn nhỏ nên ông Út Xớt phải đợi thêm vài tuần nữa là “ra khơi” đánh bắt mẻ cuối trước khi nước rút.

Dân sống nghề “bà cậu” héo hon mùa lũ muộn - 3

Tuy nhiên, do nước về muộn, lượng cá tôm giảm một nửa so với cùng kỳ năm rồi

Còn ông Tư Mong hàng xóm với ông Út Xớt sống bằng nghề đặt dớn cho biết, cá vào dớn có đủ loại nhưng nhiều nhất là cá linh non, lòng tong, sặc, rô non… Tuy nhiên, lượng cá không nhiều.

Theo ông Tư Mong, do lũ về trễ nên 10 ngày qua, mỗi ngày dở dớn, ông chỉ bỏ túi khoảng 100.000 đồng. Qua ghi nhận tại chợ Trung tâm Thường Thới Tiền, chợ Cả Sách, giá cá linh non làm sạch ruột được thương lái mua 150.000 đồng/kg, trong khi năm rồi chỉ 120.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận của PV, khi nước lũ tràn đồng, nhiều hộ dân khác “sống khỏe” với nghề hái rau đồng bán, như: rau muống, bông súng, bông điên diển… Nghề này không cần đầu tư nhiều nên đa phần đàn bà, phụ nữ và kể cả các em nhỏ cũng hành nghề được.

Dân sống nghề “bà cậu” héo hon mùa lũ muộn - 4

Đặc biệt là với sản vật cá linh, nhiều nông dân đặt dớn cũng thu trắng tay vì cả đêm chỉ vài ký cá...

Ông Nguyễn Hoàng Nhung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự cho biết, từ khi mùa lũ bắt đầu, huyện đã chủ động cho xả nước vào các cánh đồng Thường Thới Hậu A và một số xã khác của huyện. Điều này vừa giúp tạo sinh kế cho bà con đánh bắt thủy sản mùa lũ, vừa “mở đồng” đón phù sa còn giúp rửa sạch mầm mống sâu bệnh, tăng độ màu mỡ cho đất”.

Dân sống nghề “bà cậu” héo hon mùa lũ muộn - 5

Nước lũ về, một số hộ dân khác sống khỏe với nghề nhổ bông súng, hái rau muốn, bông điên điển bán

Còn theo nhiều lãnh đạo các xã đầu nguồn của An Giang và Đồng Tháp, những năm gần đây nước lũ không còn theo lói mòn “tháng 7 nước nhảy khỏi bờ” nữa. Nguyên nhân là vì biến đổi khí hậu và vì thượng nguồn có nhiều đập thủy điện “khổng lồ” ngăn dòng nên lũ về sớm, muộn tùy thuộc vào lượng mưa và xả đập…

Để thích ứng với tình hình lũ hiện nay, nhiều hộ dân lâu nay sống nghề câu lưới đã lên bờ, chuyển đổi nghề, như trồng cỏ nuôi bò, nuôi cá, trăn… trong những tháng mùa lũ. Ngoài ra, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lao động trẻ không ngại xa xứ lên TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… và cả Hàn Quốc để lao động thời vụ. Khi lũ rút họ quay về địa phương, vệ sinh đồng ruộng, bắt đầu vụ lúa đông xuân.

Nguyễn Hành