Dàn phương tiện, vũ khí góp phần làm nên chiến thắng nơi "vùng đất chết"
(Dân trí) - Xe tải Zil-157, Gaz-63, xe ủi C100 hay pháo 37mm và 57mm là những phương tiện, vũ khí gắn với chiến trường Ngã ba Đồng Lộc - nơi từng được mệnh danh là "vùng đất chết".
Hơn nửa thế kỷ trước, ngã ba Đồng Lộc (thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) là con đường độc đạo để hậu phương miền Bắc chi viện vào miền Nam. Vì thế, nơi đây trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ trên toàn tuyến Quân khu 4 với khối lượng bom khổng lồ - gần 50.000 quả các loại trút xuống.
Ngày nay, Đồng Lộc trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt, trưng bày gần 1.000 hiện vật chiến tranh. Ngoài phòng truyền thống, người dân, du khách khi đến đây còn được tận mắt ngắm dàn phương tiện, vũ khí góp phần làm nên Chiến thắng Đồng Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Xe Zil-157, loại phương tiện từng tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc.
Zil-157 là loại xe đa dụng có trọng tải 2,5 tấn, động cơ 5,6 lít, công suất 109 mã lực. Loại phương tiện này được Liên Xô chế tạo trong thời gian từ năm 1958 đến năm 1961. Trong chiến đấu, phương tiện này thường được dùng để chở binh sĩ và quân nhu.
Xe Gaz-63 được anh hùng Đoàn Minh Nguyệt sử dụng vận chuyển lương thực, vũ khí đi qua trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc an toàn vào năm 1968. Đây cũng là loại phương tiện do Liên Xô chế tạo và viện trợ cho Việt Nam. Xe sử dụng động cơ 6 xi lanh, công suất 70 mã lực, hộp số 4 cấp, 2 cầu. Bình xăng của xe có thể chứa từ 90 đến 105 lít nhiên liệu, tiêu thụ 25 lít/100km. Tốc độ tối đa mà xe đạt được là 65km/h.
Gaz-63 và Zil-157 là hai chủng loại xe tiêu biểu, đặc trưng cho các đoàn xe ra trận, thường xuyên đi qua Ngã ba Đồng Lộc. Hai xe này được Cục xe máy Quân đội bàn giao cho Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc vào tháng 7/2008.
Xe ủi C100, phương tiện này được Anh hùng lực lượng vũ trang Uông Xuân Lý điều khiển gạt bom nổ chậm, san lấp hố bom tại Ngã ba Đồng Lộc.
Cùng với các phương tiện huyền thoại nêu trên, khu di tích cũng đang trưng bày hai khẩu pháo 37mm và 57mm.
Trong đó, pháo 37mm từng được Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ Hà Tĩnh sử dụng, còn pháo 57mm được Trung đoàn 210 sử dụng chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc.
Hai xác máy bay được trưng bày ngoài trời tại khu di tích. Thời chiến, trong vòng 7 tháng (từ tháng 4 đến tháng 10/1968), quân và dân Ngã ba Đồng Lộc bắn rơi 19 máy bay Mỹ.
Xác máy bay AD-6. Loại này trang bị động cơ cánh quạt Wright R-3350-26WA cho phép đạt tốc độ 518km/h, tầm bay hơn 2.000km, trần bay 8.685m. AD-6 thiết kế 4 pháo 20mm và 15 giá treo mang 3,6 tấn vũ khí (bom, rocket, ngư lôi).
Không quân Mỹ sử dụng loại máy bay này nhiều ở chiến trường Việt Nam. Ông Lê Thanh Hoàn, Phó trưởng ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết, Mỹ cũng dùng AD-6 để bay trinh sát và ném bom khói chỉ điểm cho máy bay khác ném bom tàn phá Ngã ba Đồng Lộc.
Trong phòng truyền thống khu di tích trưng bày nhiều vỏ bom các loại (bom phá, bom từ trường, bom sát thương) do quân đội Mỹ từng ném xuống Ngã ba Đồng Lộc.
Vỏ bom được xếp thành hình chiếc máy bay đang lao thẳng xuống mặt đất.
Gần đến kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023), Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, dâng hương.
Ngã ba Đồng Lộc là nơi 10 cô gái thanh niên xung phong ngã xuống để nối liền mạch máu vận tải vào Nam thời chống Mỹ. Câu chuyện về sự hy sinh của 10 cô gái cùng anh linh của các chiến sĩ ngã xuống nơi đây đã làm nên biểu tượng về một Đồng Lộc linh thiêng, bất tử.