1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đàn ông Việt Nam uống rượu bia ở mức cao so với thế giới

(Dân trí) - Mức tiêu thụ đồ uống có cồn của đàn ông Việt Nam là 27,4 lít/năm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây là mức tiêu thụ thuộc loại cao so với thế giới. Ở các nước châu Phi, con số này là 19,5 lít/năm, ở châu Âu là 16,8 lít, tại Đông Nam Á là 23,1 lít.

WHO đã đưa ra công bố này sáng nay (8/5) trong Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch 356/KH-UBATGTQG về Kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia của năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.

Ông Nguyễn Phương Nam - chuyên gia WHO - cho biết: “Rượu bia hạn chế khả năng nhận biết các vật từ xa, tầm nhìn ban đêm có thể giảm tới 25%. Người tham gia giao thông chỉ cần 1 cốc bia là có thể chậm phản ứng khoảng 10-30% và nồng độ cồn mức 50mg/100ml máu thì nguy cơ tai nạn tăng gấp 40 lần so với người không uống”.

Biểu đồ so sánh tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn (nguồn WHO)
Biểu đồ so sánh tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn (nguồn WHO)

Tại Việt Nam, mức tiêu thụ đồ uống có cồn của đàn ông Việt Nam là 27,4 lít/năm, của người Việt Nam nói chung (trên 15 tuổi) là 17,2 lít/năm (con số thống kê được tổng hợp từ nguồn của Bộ Y tế và Bộ Công thương). Theo WHO đây là mức tiêu thụ cao so với thế giới. Khảo sát của WHO cũng cho thấy, thanh niên uống rượu bia được trẻ hóa từ độ tuổi 16, 80% người độ tuổi 20-24 uống trên 8 cốc bia mỗi lần, 72% người độ tuổi 25-34 uống trên 8 cốc bia. 

So sánh về thiệt hại kinh tế do tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia được ông Nam nhắc tới qua các con số cụ thể, tại Việt Nam là 1,2 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 36,2% (năm 2010), tại Thái Lan chiếm 30% tương đương với 1 tỷ USD (năm 2005) và tại Mỹ thiệt hại này năm 2000 được thống kê là 51,1 tỷ USD.

Đại diện WHO kiến nghị, Việt Nam cần giảm mức quy định nồng độ cồn với người lái xe ô tô, xe máy; tăng nặng các hình thức xử phạt và cưỡng chế thực thi nghiêm khắc, thậm chí nghiên cứu đưa hình thức phạt tù đối với lái xe có nồng độ cồn cao hơn 80mg/100ml máu; phạt nặng các hành vi tái phạm.

“Ở Pháp, lái xe vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông bị trừ 6 điểm, tước giấy phép lái xe 3 năm, phạt tiền từ 135 - 750 Euro. Kết quả cho thấy, tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia giảm từ 38% xuống còn 20%” - ông Nam dẫn chứng.

Đánh giá mức độ tác hại, WHO nghiên cứu 18.000 nạn nhân nhập viện tại Việt Nam có 36% người đi xe máy có nồng độ cồn cao hơn mức cho phép và 66,8% lái xe ô tô có nồng độ cao hơn mức cho phép. Khảo sát với 100 người tử vong do tai nạn giao thông tại bệnh viện Y và bệnh viện Việt Đức đã có 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu.

CSGT thắt chặt việc kiểm tra nồng độ cồn với các tài xế (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

CSGT thắt chặt việc kiểm tra nồng độ cồn với các tài xế (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Tại hội nghị này, đại diện các tỉnh thành phố đều cho rằng, công tác xử lý người say rượu gặp nhiều khó khăn, nhiều lái xe cố tình bất hợp tác, chống đối bằng cách không ký văn bảnĐặc biệt, khó khăn lớn nhất là thiếu thiết bị, thiếu lực lượng xử lý vi phạm.

Ông Vũ Quý Phi - Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho biết, trong dịp lễ tết vừa qua, số người chết vì tai nạn giao thông vẫn tăng, phần lớn tai nạn do nạn nhân sử dụng rượu bia. Tuy nhiên, nguyên nhân tai nạn do rượu bia hiện nay chưa được thống kê chính xác, bởi các vụ tai nạn chưa có xét nghiệm máu.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế tiến hành xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của lái xe. Đặc biệt, xét nghiệm xác định nồng độ cồn trong máu của các trường hợp bị tai nạn giao thông đưa vào bệnh viện cứu chữa.

Châu Như Quỳnh